Đời sống Xã hội

Xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc tăng trưởng không ngừng…Tăng gấp gần 3 lần sau 4 năm

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)10:09 25-08-2020
Xuất khẩu sang Trung Quốc vượt trội Tập trung nhắm đến thị trường Đông Nam Á
Các số liệu thống kê cho thấy rằng xuất khẩu mì ăn liền (ramyun), một đại diện tiêu biểu cho 'K-food', đã tăng mạnh gấp gần 3 lần trong vòng bốn năm qua.

Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc áp đảo ở vị trí đầu tiên, và các nước Đông Nam Á cũng nhanh chóng trở thành thị trường xuất khẩu lớn.
 

Một số sản phẩm mì ăn liền của Nongshim [Ảnh=Nongshim]

Theo số liệu thống kê thương mại xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Hàn Quốc vào ngày 25, xuất khẩu mỳ ăn liền tăng đều đặn hằng năm, cụ thể là 55.378 tấn vào năm 2015, 79.585 tấn vào năm 2016, 110.115 tấn vào năm 2017, 115.976 tấn vào năm 2018 và 137.284 tấn vào năm 2019.

Theo đó trong 4 năm từ 2015~2019, xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc đã tăng gấp 2,74 lần.

Kim ngạch xuất khẩu cũng tăng gấp đôi trong 4 năm với là 201.879.000 USD trong năm 2015, $ 209.366.000 USD trong năm 2016, 308.991.000 USD trong năm 2017 và 413.094.000 USD trong năm 2018 và 466.996.000 USD vào năm 2019.

Đặc biệt, khi nhìn vào số liệu thống kê cụ thể của từng quốc gia trong năm ngoái, xuất khẩu sang Trung Quốc đứng đầu với 41.537 tấn. Tiếp theo là 14.908 tấn ở Mỹ, 9.638 tấn ở Nhật Bản và 6.147 tấn ở Úc.

Các nước Đông Nam Á như Indonesia (5.988 tấn), Đài Loan (5.962 tấn), Việt Nam (5.669 tấn), Thái Lan (5.170 tấn), Philippines (4.251 tấn) và Malaysia (4.222 tấn) cũng nằm trong top 10.

Hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của các nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn Hàn Quốc cũng đang cải thiện đáng kể hàng năm.

Doanh số kinh doanh ở nước ngoài của Nongshim, công ty số 1 về thị phần ramen, đã tăng lên 603,5 triệu USD vào năm 2016, 604,5 triệu USD vào năm 2017, 704 triệu USD vào năm 2018 và 800 triệu USD vào năm 2019.

Ngoài ra chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Nongshim đã đạt doanh thu 520 triệu USD, đạt 65% giá trị của cả năm 2019.

Đặc biệt, Nongshim điều hành các công ty con địa phương ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc và Việt Nam, do đó, doanh thu từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Nongshim là tổng của hàng xuất khẩu trong nước và hàng sản xuất trực tiếp của các công ty con ở nước ngoài.

Các mặt hàng xuất khẩu đại diện của Nongshim là Shin Ramyun, Neoguri, Chapagetti, mì hộp Yukgaejang và mì hộp Kimchi.
 

Mỳ cay Samyang [Ảnh=Samyang Foods]

Hoạt động kinh doanh ở nước ngoài của Samyang Food cũng có bước chuyển biến tốt.

Tình hình xuất khẩu của Samyang Ramyun đã tăng nhanh chóng lên 29,4 tỷ KRW vào năm 2015, 91,6 tỷ KRW vào năm 2016, 203,6 tỷ KRW vào năm 2017, 198,5 tỷ won vào năm 2018 và 265,7 tỷ KRW vào năm 2019. Samyang Foods không có công ty con ở nước ngoài nên hầu hết các sản phẩm đều được xuất khẩu từ Hàn Quốc.

Mặc dù doanh số ghi nhận mức giảm nhẹ trong năm 2018, nhưng nhìn chung doanh số bán hàng của Samyang đã tăng gấp 9 lần chỉ sau 4 năm.

Doanh số kinh doanh ở nước ngoài trong nửa đầu năm 2020 của Samyang đạt 177,9 tỷ KRW, chiếm 67% doanh thu của cả năm ngoái.

Doanh thu của thương hiệu Buldak, sản phẩm nổi tiếng nhất của Samyang Foods, đã tăng lên 9,8 tỷ KRW vào năm 2015, 66,1 tỷ KRW vào năm 2016, 179,6 tỷ KRW vào năm 2017, 173 tỷ KRW vào năm 2018 và 240 tỷ KRW vào năm 2019.

Samyang Foods giải thích rằng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 50% tổng lượng xuất khẩu, tiếp theo là xuất khẩu sang Đông Nam Á chiếm khoảng 40%.

Đặc biệt, Samyang Foods cho biết đã có hiệu quả trong việc mở rộng xuất khẩu nhờ chủ động nhắm vào thị trường Hồi giáo do công ty này đã chuẩn bị được chứng nhận Halal ngay từ khi bắt đầu xuất khẩu.
 

Một số loại mì ăn liền của Ottogi [Ảnh=Ottogi]

Doanh thu từ xuất khẩu mì ăn liền của Ottogi cũng có trị giá 55 tỷ KRW vào năm ngoái. Đây là mức tăng hơn 20% so với năm 2018. Đặc biệt, chỉ trong nửa đầu năm nay, công ty này đã thu về 40 tỷ KRW xuất khẩu, tương đương 72,7% trị giá xuất khẩu của cả năm ngoái.

Một quan chức trong ngành thực phẩm cho biết: "Vị cay của mì ăn liền Hàn Quốc đang quyến rũ khẩu vị của thực khách ở nước ngoài. Chúng tôi kỳ vọng có thể duy trì tốc độ tăng trưởng trong tương lai khi nhu cầu về mì ăn liền tăng lên khi phong cách jib-kog (집콕: các hoạt động sinh hoạt chủ yếu diễn ra trong nhà) tăng lên".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기