Đời sống Xã hội

Covid19 kéo dài đào sâu 'khoảng trống' trong việc trông nom trẻ nhỏ tại Hàn Quốc

황프엉리 (lyhoang215@ajunews.com)16:34 30-11-2020
Tăng áp lực lên các trung tâm trông giữ trẻ Giao hộp cơm trưa và hướng dẫn học tập từ xa cho trẻ em không thể đến trường
“Ngay khi dịch bệnh nổ ra, điều đầu tiên tôi nghĩ là 'Bữa ăn của trẻ em thì sao?' Tôi lo lắng về việc các em sẽ phải ăn những bữa ăn không đảm bảo đủ dinh dưỡng, vì vậy tôi bắt đầu bắt tay vào chuẩn bị những hộp cơm trưa ngay lập tức."

Do thời gian dịch coronavirus (Covid19) vẫn còn kéo dài, 'khoảng trống trong việc trông giữ trẻ em' trở nên nghiêm trọng vì các trường học không thể hoạt động bình thường, làm tăng gánh nặng cho các cơ sở phúc lợi trẻ em như trung tâm trẻ em địa phương. Mặc dù chính quyền địa phương đã khuyến nghị đóng cửa các trung tâm giữ trẻ, nhưng trên thực tế, dịch vụ này vẫn phải tiếp tục được cung cấp.
 

[Ảnh=Yonhap News]

◆ Tăng gánh nặng từ việc giao hộp ăn trưa đến hướng dẫn học tập từ xa

Kim Myung-ja, người đứng đầu Trung tâm Trẻ em Khu vực Eungwang ở Eunpyeong-gu, Seoul đã liên tục đóng gói những bữa trưa từ tháng Giêng cho những trẻ em không thể đến trung tâm do ảnh hưởng của dịch Covid19.

Giám đốc Kim cho hay: “Đến bây giờ, chính phủ cũng thông báo đưa ra nhiều hướng dẫn liên quan đến bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên khi dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu năm, mọi việc đã khá lộn xộn, vì thế những giáo viên đã cố gắng tự mình làm những việc này."

Khi dịch bệnh kéo dài, tôi cũng lo lắng về tình trạng tâm lý của trẻ khi phải liên tục ở nhà. Tôi nghĩ bố mẹ các em cũng nên suy nghĩ về các hoạt động khác nhau để các em có thể làm ở nhà để không cảm thấy cô đơn hoặc chán nản.

Một trung tâm trẻ em khác ở Yeongdeungpo-gu cũng cho biết họ đang thực hiện nhiều nỗ lực khác nhau, chẳng hạn như kết hợp giao báo với hộp cơm trưa cho trẻ em, chia sẻ các hoạt động nghệ thuật bằng đất sét với ảnh và cung cấp dịch vụ học tập thông qua các nền tảng trực tuyến.

Giám đốc Lee In-sook của trung tâm này cho biết “Sau khi Covid19 chấm dứt, tôi rất sợ những thay đổi có thể xảy ra ở trẻ em. Thoạt nhìn, mọi người có thể nghĩ 'Trẻ em ở nhà rất ngoan', nhưng đó có thể chính là vấn đề khi các em ít được giao tiếp và điều này sẽ khiến trở các em trở nên nhút nhát, e dè hơn."

Theo khảo sát của Viện Giáo dục Gyeonggi vào tháng 7, 18,9% học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông nói rằng họ không có thời gian tập thể dục hoặc đi bộ mỗi ngày và 35,2% nói rằng họ chưa bao giờ gặp bạn bè một lần một ngày. Gần một nửa trong số họ (46,7%) cho biết việc sử dụng các phương tiện không phục vụ cho mục đích học tập của họ tăng lên.

Khi mức độ lan truyền của Covid19 ở Seoul tăng trở lại, đã có khuyến nghị các trung tâm đóng cửa trở lại từ ngày 27 tháng này, nhưng cánh cửa không thể đóng lại được. Giám đốc Lee nói: “Chúng tôi phải cung cấp các dịch vụ trông giữ khẩn cấp và gọi điện hỏi thăm tình hình của những em không thể đến trung tâm cũng như thực hiện nhiều hoạt động khác nhau."

◆ "Hệ thống làm việc quanh năm…Cần phải có sự chuẩn bị trước về nhân lực chuyên môn"

Vì chúng ta thậm chí không biết khi nào dịch bệnh sẽ kết thúc, sự mệt mỏi, kiệt sức của các nhân viên trung tâm trẻ em địa phương tiếp tục tích lũy và không biết khi nào sẽ đạt đến giới hạn.

Yu Eun-jin, người đứng đầu Trung tâm trẻ em khu vực Songpa-gu Ogeum-dong, cho biết, "Các trung tâm trẻ em cộng đồng là hệ thống cơ sở chăm sóc sau giờ học, thường mở cửa vào buổi chiều trong học kỳ. Do ảnh hưởng của Covid19 những nhân viên ở đây đã phải liên tục làm việc suốt cả năm nay mà không hề có kỳ nghỉ. Công việc của các giáo viên vốn đã vất vả nay càng trở nên nặng nề hơn."

"Chính phủ không hỗ trợ hành chính cho các nhân viên phục vụ ăn uống, vì vậy các giáo viên phải làm việc nhiều hơn để có thể chuẩn bị đủ 2 bữa ăn cho các em trong một ngày. Thêm vào đó, có rất nhiều trẻ em cần chăm sóc nhưng không gian có hạn nên không thể nhận trông thêm được."

Một số ý kiến ​​chỉ ra rằng rất khó để mở rộng dịch vụ chăm sóc mà các trung tâm trẻ em địa phương có thể cung cấp với hệ thống hiện tại.

Giám đốc Trung tâm Kim Myung-ja cho biết, “Trung tâm trẻ em trong khu vực là một không gian giáo dục, một nơi mang mục đích tốt đẹp nhưng thật đáng tiếc khi nó không thể dễ dàng thoát khỏi sự kỳ thị là cơ sở chăm sóc cho những người dễ bị tổn thương."

"Tôi thường nghĩ về việc sẽ tốt như thế nào nếu mở rộng những cách thức điều hành, hoạt động lâu đời của trung tâm trẻ em trong khu vực ra cho thêm nhiều hình thức khác nữa. Tôi muốn trẻ em ở trung tâm không chỉ được hưởng lợi như` 'hội viên', mà còn trở thành một không gian nơi trẻ em trong khu vực lân cận có thể đến và nhận được chăm sóc cần thiết."

Để làm được điều này, các trung tâm trẻ em địa phương cũng cần những nhân viên xã hội chuyên nghiệp có bí quyết, nhưng họ cho rằng không dễ để bổ sung nguồn nhân lực do môi trường làm việc vẫn còn nhiều hạn chế.

Giám đốc Trung tâm Lee In-sook nhấn mạnh, “Biết đâu trong tương lai sẽ lại có thể có một thời kỳ khác khi sổ tay hướng dẫn của chính phủ trở nên không thực tế giống như ở tình hình hiện tại khi phải đối mặt với Covid19. Điều quan trọng là phải có nhân lực chuyên môn cao, có khả năng phán đoán nhanh nhạy. Tuy nhiên để làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần cải thiện chế độ đãi ngộ đối với người lao động."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기