Đời sống Xã hội

Tỷ lệ sinh thấp · Dịch Covid-19 kéo dài khiến các trường đại học tại Hàn Quốc lâm vào khủng hoảng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:58 23-04-2021
Đại học mở rộng nhanh chóng trái ngược với tỷ lệ sinh thấp khiến nguy cơ thiếu hụt sinh viên tăng cao Sinh viên quốc tế cũng không thể nhập học vì dịch Covid-19 Lớp học trực tiếp · Sinh hoạt câu lạc bộ · Họp nhóm sinh viên đều 'mất tích' Lý luận 'Đại học không còn ý nghĩa gì' lại một lần nữa được lan truyền
Một cuộc khủng hoảng chưa từng có đang đến với các trường đại học tại Hàn Quốc.

Trong những năm 1980 và 1990, khi số trẻ sơ sinh bùng nổ khiến dân số tăng nhanh, các trường đại học tại Hàn Quốc đã trải qua thời kỳ hoàng kim của với số lượng sinh viên áp đảo. Tuy nhiên giờ đây, các trường đại học lại phải đối mặt với thách thức là số lượng sinh viên năm nhất giảm mạnh do 'bờ vực dân số'.

Các trường đại học đã phải vật lộn để tránh khủng hoảng bằng cách đối phó với sự sụt giảm số lượng sinh viên do tỷ lệ sinh thấp bằng cách thu hút sinh viên nước ngoài, nhưng sự lan rộng của dịch Covid19 đã gây ra không ít khó khăn cho những nỗ lực này. Việc ồ ạt thành lập các trường đại học trong những năm 1980 và 1990 giờ đây chẳng khác nào chiếc 'boomerang' đang quay ngược lại và tạo ra khó khăn cho chính những người sáng lập.

Khi việc được đến lớp và nghe giảng trực tiếp trở nên khó khăn do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, số lượng sinh viên yêu cầu cắt giảm học phí cũng ngày càng tăng. Thậm chí còn có lý luận của một số sinh viên yêu thích các hoạt động ngoại khóa rằng 'đại học chả còn ý nghĩa gì' khi giờ đây sinh viên đều không còn cơ hội tận hưởng những bữa tiệc chào mừng tân sinh viên, các buổi dã ngoại (member training - MT) cũng như hoạt động của câu lạc bộ.

Vì cuộc khủng hoảng lần này không phải là vấn đề dễ dàng được giải quyết trong một hoặc hai năm, mà nó là 'khởi đầu' của một cuộc thời kỳ khủng hoảng sẽ tiếp tục trong nhiều thập kỷ tới, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng các trường đại học Hàn Quốc nên tự tìm kiếm một kế hoạch để 'sinh tồn'.

 

Một góc sân trường vắng sinh viên của trường đại học Ewha, Seoul. [Ảnh=Yonhap News]

 
◇ 'Thời kỳ hoàng kim của trường đại học' những năm 80~90…Các trường đại học "mọc lên như nấm sau mưa"

Có thể nói, thời kỳ hoàng kim của các trường đại học Hàn Quốc là từ những năm 1980 đến 1990.

Hơn 10 triệu trẻ em được sinh trong những năm 1960 và 1970, vào đại học trong thời kỳ này dẫn đến sự bùng nổ của các trường đại học tại Hàn Quốc. Dù cho có thành lập một trường đại học ở bất kỳ đâu trên Hàn Quốc, thì số lượng sinh viên mong muốn được nhập học cũng sẽ lớn hơn chỉ tiêu đã được xác định trước đó.

Theo đó, số lượng trường đại học tại Hàn Quốc tăng từ 168 trường năm 1970 lên 429 trường năm 2020, tương đương mức tăng 261 trường trong nửa thế kỷ. Thậm chí trong số này, có tới 107 trường được thành lập chỉ trong vòng 10 năm của những năm 1990. Vì khát vọng của đại đa số những người thuộc thế hệ sau chiến tranh là bản thân hoặc con cái của họ được vào đại học, nên hầu như không có ý kiến tranh cãi hay chỉ trích về sự mở rộng quá đà về số lượng của các trường đại học vào giai đoạn này.

 

Chủ tịch Kim Young-sam đang nghe báo cáo về đề xuất cải cách giáo dục từ Chủ tịch Lee Seok-hee của Ủy ban Cải cách Giáo dục tại Nhà Xanh ngày 31/5/1995. [Ảnh=Yonhap News]


Điều thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của trường đại học là 'Kế hoạch Cải cách Giáo dục 31/5' được công bố vào năm 1995 dưới thời chính quyền Tổng thống Kim Young-sam.

Sự ra đời của 'quy tắc thành lập trường đại học', cho phép thành lập các trường đại học khi chỉ cần đáp ứng 4 quy tắc: có địa điểm xây dựng, có tòa nhà dành cho việc dạy học, có giáo viên và có tài sản cơ bản tạo ra lợi nhuận.

Lim Hee-sung, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Giáo dục Đại học Hàn Quốc, cho biết, "Quy tắc để thành lập trường đại học là việc áp dụng logic thị trường đối với mức độ cung và cầu. Chúng tôi nghĩ rằng các trường đại học không được học sinh và phụ huynh lựa chọn đương nhiên sẽ bị đào thải, nhưng thực tế các trường đại học yếu kém đã không bị loại bỏ, mà số lượng trường đại học mới được lập nên thì vẫn ngày một tăng”.

Từ góc độ của chính phủ, việc thành lập một trường đại học mà không cần đầu tư ngân sách quốc gia là một điều tốt, và từ góc độ giá tài sản, tốt nhất là trường đại học là một dự án giáo dục có lãi và có thể được hưởng một số ưu đãi chẳng hạn như miễn thuế về bất động sản.

Từ quan điểm của các đại biểu Quốc hội hoặc người đứng đầu chính quyền địa phương, những người phải giành được phiếu bầu của các cử tri, đã có đủ lý do để thúc đẩy sự nhiệt tình của họ đối với việc thành lập một trường đại học trong khu vực khi điều này có thể được coi là 'thành tích chính trị' của họ.

Lee Seong-yup, người đứng đầu Trung tâm Giáo dục Tương lai Toàn cầu của Đại học Ajou, giải thích, "Đã có không ít chuyên gia chỉ ra rằng việc thành lập quá nhiều trường đại học là không phù hợp, nhưng vào thời điểm đó, việc làm này là điều mà hầu hết mọi người đều mong muốn. Vì vậy, với mục tiêu tạo ra một xã hội nơi 'ai cũng có thể vào đại học', số lượng trường đại học đã tăng đột biến trong khoảng thời gian này."

Vấn đề là sự thành lập trường học một cách liều lĩnh như thế này dường như đã trở thành một chiếc 'boomerang' mang đến những bất lợi cho các trường đại học tại Hàn Quốc vào thời điểm hiện tại.
 
◇ 'Khủng hoảng tuyển sinh' khi sinh viên mới giảm mạnh do tỷ lệ sinh thấp…'Khủng hoảng tài chính' khi lượng sinh viên quốc tế cũng bị cắt giảm do Covid19

Những năm 1980 và 1990 là thời kỳ mở rộng đáng kể về số lượng của các trường đại học tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng là thời điểm mà sự gia tăng dân số kéo dài cho đến những năm 1970 đã chuyển thành 'tỷ lệ sinh thấp'.

Vào đầu những năm 1970, số ca sinh vượt quá 1 triệu ca mỗi năm giảm xuống còn 860.000 vào năm 1980, và sau đó giảm xuống 650.000 vào năm 1990. Kể từ đó, sự sụt giảm tiếp tục rõ nét hơn, đạt 630.000 vào năm 2000, 470.000 vào năm 2010 và thậm chí chỉ còn 270.000 vào năm 2020. Một 'bờ vực dân số' cực đoan đã được hình thành, theo đó cứ sau mỗi 10 năm số lượng trẻ sơ sinh được sinh ra lại giảm khoảng 200.000 trẻ.

Sau khoảng 19 năm (hoặc lâu hơn), khi những người được sinh ra từ những năm 1970 bắt đầu đến tuổi vào đại học thì rõ ràng là sự giảm mạnh số lượng trẻ sơ sinh lúc đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng sinh viên mới nhập học đại học. Trong 10 năm qua, trái ngược với việc có hơn 100 trường đại học đã được xây dựng, và số lượng sinh viên nhập học đã giảm mạnh.

Cuối cùng, dẫn đến tình trạng chỉ có 426.000 học sinh thi SAT năm nay, ít hơn 70.000 người so với 492.000 học sinh đăng ký vào đại học. Kỷ nguyên 'thiêu hụt tân sinh viên' đã chính thức bắt đầu.

Lee Sung-ho, giáo sư ngành giáo dục tại Đại học Chung-Ang, nói, "Đây là một trường hợp cho thấy rõ ràng rằng chính sách giáo dục không nên phó mặc cho các chính trị gia đi theo 'trái tim nhiệt huyết' cố gắng làm mọi cách để thu hút phiếu bầu. Vào cuối những năm 1990 cũng đồng thời là giai đoạn cuối của chính quyền Kim Young-sam, số lượng các trường đại học trong nước đã vượt ra khỏi phạm vi quản lý."

Trên thực tế, có thể thấy trước rằng số lượng sinh viên năm nhất đại học sẽ ngày càng trở nên khan hiếm. Do đó, đã có ý kiến ​​cho rằng các trường đại học cần phải nhanh chóng cải tổ/tái cơ cấu, nhưng các trường đại học tại Hàn Quốc đã cố tình làm ngơ vấn đề này. Thay vào đó, họ bám vào một 'sợi dây cứu cánh' khác đó là cố gắng thu hút sinh viên nước ngoài nhằm lấp đầy số chỉ tiêu vẫn còn dư thừa.

 

Tổng số sinh viên nước ngoài đang theo học tại các trường đại học ở Hàn Quốc theo các năm. [Ảnh=Yonhap News]


Các trường đại học Hàn Quốc đã nổi lên như một điểm đến phổ biến để du học do nền giáo dục ở Hàn Quốc được đánh giá khá tốt, gần bằng với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, cũng như nhờ ảnh hưởng tích cực của Làn sóng Hàn Quốc tràn qua Trung Quốc và Đông Nam Á. Trong những năm 2000, số lượng sinh viên quốc tế tăng lên nhanh chóng, vào năm 2019 số lượng sinh viên quốc tế tại các trường đại học trên toàn Hàn Quốc đã vượt quá 110.000 người.

Một quan chức tại một trường đại học tư nhân địa phương cho biết, "Điều đó cũng cho thấy hiện trạng các trường đại học địa phương sẽ không thể tồn tại nếu không có sinh viên nước ngoài. Bởi vì nhờ có nguồn thu từ sinh viên nước ngoài mà nhà trường có thể có thể bù đắp vào thu nhập học phí cũng như duy trì tài chính của trường khi số lượng sinh viên trong nước thiếu hụt trầm trọng."

Tuy nhiên, việc các trường đại học bỏ qua giải pháp cơ bản là tái cấu trúc và tăng cường khả năng cạnh tranh mà thay vào đó là chính sách thu hút sinh viên quốc tế cũng đã gặp khó khăn lớn khi dịch Covid19 xuất hiện vào năm ngoái. Do sự lan rộng của dịch bệnh, việc đi lại giữa các quốc gia bị gián đoạn khiến sinh viên quốc tế khó có thể nhập cảnh vào Hàn Quốc. Năm ngoái, số lượng sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc đã giảm hơn 10.000 người.

Lim Seong-ho, Giám đốc điều hành của Jongno Sky Education, cho biết, “Có thể bên ngoài các trường đại học trông có vẻ rất khó khăn, nhưng thực tế nội bộ họ đang hoạt động khá tốt nhờ thu hút sinh viên quốc tế. Vấn đề là dịch Covid19 vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, và từ năm nay các trường đại học sẽ phải đối diện với tình huống không chỉ thiếu sinh viên Hàn Quốc mà ngay cả số lượng sinh viên quốc tế cũng giảm mạnh."
 
◇ "Vào đại học mà như thế này thì còn có ý nghĩa gì nữa?"…Ngay cả lý luận kiểu 'học đại học cũng chả có mấy tác dụng' cũng bắt đầu được lan truyền

Dịch corona19, bắt đầu từ đầu năm ngoái và đã kéo dài hơn một năm, đang giáng một đòn nghiêm trọng vào các trường đại học.

Tất cả các bài giảng của giáo sư, vốn là cốt lõi của giáo dục đại học, đã được thay thế bằng các bài giảng trực tuyến, và sau sự lan rộng của Covid19, tất cả các hoạt động ngoại khóa như định hướng cho sinh viên năm nhất, tiệc chào mừng, MT dã ngoại và các hoạt động câu lạc bộ cũng đều không thể được thực hiện. Các học sinh viên nhập học năm ngoái 2020 cũng như nhập học năm nay 2021 đều tự gọi mình bằng một cái tên 'lứa sinh viên mất mát' (잃어버린 학번).

Jeong, một sinh viên nhập học vào năm ngoái của một trường đại học ở Seoul, cho biết: “Tôi không thể sử dụng thư viện một cách tối đa, chưa nói đến việc không có cơ hội tham gia các lễ hội và hoạt động câu lạc bộ. Tôi không hề đăng ký học trường đại học từ xa (cyber university), do đó nếu tôi phải dành cả quãng thời gina đại học của mình để ngồi ở nhà và học trước máy vi tính thì chí ít tôi cũng phải được nhận lại 1 phần học phí (do không thể sử dụng các trang thiết bị ở trường) chứ."

 

Các sinh viên đại học cầm bảng yêu cầu các trường đại học hoàn lại học phí cho sinh viên. [Ảnh=Yonhap News]


Gần đây, các cuộc biểu tình và tuần hành của sinh viên đòi trả lại học phí đã tiếp tục diễn ra ở khu vực lân cận Nhà Xanh. Tính đến nay, đã có 15.000 người đã tham gia 'Phong trào đòi bồi hoàn học phí 2021', bắt đầu vào ngày 4/3 với mục đích kêu gọi các trường đại học hoàn lại một phần học phí.

Ngoài ra, khi một số giáo sư chỉ đơn thuần phát các bài giảng trực tuyến được ghi lại mà không cố gắng điều chỉnh về cách tổ chức lớp học phù hợp với hình thức trực tuyến hoặc tiếp thu phản hồi của sinh viên để nâng cao chất lượng bài giảng thì sự hoài nghi đang lan rộng giữa các sinh viên khi cho rằng 'học đại học mà như thế này thì chả có ý nghĩa gì'. Những khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng gay gắt cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc gia tăng đáng kể cảm giác hoài nghi này.

Kim (30 tuổi), người đã chuẩn bị cho kỳ thi công chức được vài năm sau khi tốt nghiệp một trường đại học địa phương, nói: “Tôi đã nộp rất nhiều hồ sơ, nhưng không có công ty nào nhận. Cuối cùng, tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tuyển viên chức không liên quan gì đến chuyên ngành mà tôi đã học ở đại học. Trong trường hợp này, tôi tự cảm thấy hoài nghi về ý nghĩa của việc học đại học đối với tôi".

Trên thực tế, mặc dù các hội nghị về giáo dục đại học đã được tích cực tiến hành kể từ khi dịch Covid19 nổ ra, nhưng có thể nói rằng các hội nghị này vốn có truyền thống được thực hiện từ rất lâu trước đây rồi. Điều này cho thấy rõ xu hướng của tỷ lệ tuyển sinh đại học theo từng năm.

Tỷ lệ nhập học đại học, đạt khoảng 20% ​​trong những năm 1970, đã tăng đáng kể kể từ những năm 1980, với sự gia tăng mức thu nhập để hỗ trợ niềm mong ước được học đại học của toàn dân. Sau đó, tỷ lệ này liên tiếp đạt những mức cao như 33,2% vào năm 1990 và 68% vào năm 2000, tiếp theo là 83,8% vào năm 2008. Đây là tỷ lệ dân số vào đại học cao chưa từng có trên thế giới.

Tuy nhiên, khi gánh nặng học phí đại học cao ngất ngưởng ngày càng tăng và khó khăn về việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học ngày càng trở nên trầm trọng hơn, lý luận "học đại học cũng chả có mấy tác dụng" dần dần được nhiều người đồng tình hơn. Kết quả là tỷ lệ vào đại học giảm dần từ năm 2009 xuống còn 72,5% vào năm ngoái.

Cùng với sự sụt giảm nhanh chóng dân số trong độ tuổi đi học sẽ được nhận vào đại học, tỷ lệ học sinh muốn vào đại học giảm dần tất yếu dẫn đến số lượng sinh viên giảm mạnh, kéo theo thu nhập từ học phí cũng giảm đáng kể. Điều này đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng mà các trường đại học Hàn Quốc phải đối mặt là một cuộc khủng hoảng phức tạp, lâu dài và rất khó giải quyết dứt điểm được ngay.

Giáo sư Lee Seong-ho cho biết "Giờ đây các trường đại học phải nỗ lực nghiêm túc để tồn tại, chẳng hạn như tái cấu trúc từ bên trong. Những trường đại học không thể chuyển đổi để đáp ứng nguyện vọng của sinh viên, yêu cầu của thời đại và có tính cạnh tranh về lâu dài chắc chắn sẽ bị đào thải."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기