Kinh tế Chính trị

Nỗi lo lạm phát toàn cầu dai dẳng…Hàn Quốc tiếp tục vật lộn với tình trạng vật giá leo thang

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:05 09-12-2021
Tình trạng "lạm phát nông nghiệp" (Agflation) do giá lương thực quốc tế tăng vọt và "lạm phát xanh" (Greenflation) do xu hướng trung hòa cacbon gây ra đã làm tăng gấp đôi áp lực về giá cả cho các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hàn Quốc.

Theo số liệu do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) công bố mới đây, trong tháng 11 năm nay, chỉ số giá lương thực toàn cầu là 134,4 điểm, tăng trong 4 tháng liên tiếp, tăng 27,3%. Trong đó, chỉ số giá ngũ cốc (23,2%), đường (37,9%) và các sản phẩm từ bơ (51,4%) cũng tăng đáng kể.

Dữ liệu do Viện Nghiên cứu Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc công bố cũng cho thấy trong quý IV năm nay, giá ngũ cốc toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 0,3% so với quý trước, và mức tăng dự kiến ​​trong quý I/2022 sẽ là khoảng 2,3%. Mặc dù đơn giá nhập khẩu lúa mì, ngô và đậu để chiết xuất dầu của Hàn Quốc trong tháng 11 giảm 8,8% so với tháng 10, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng giá dao động từ 18%~70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Viện Kinh tế nông thôn, khi giá nhập khẩu ngũ cốc tăng 10% thì giá tiêu dùng (CPI) tăng xấp xỉ 0,39%. Theo báo cáo, trong tháng 11, giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, giá sinh hoạt và giá thực phẩm tươi sống lần lượt tăng 5,2% và 6,3%, nông sản, vật nuôi và thủy sản tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Với xu hướng này, mức tăng giá tiêu dùng của Hàn Quốc trong năm nay sẽ vượt quá dự đoán của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc là 2,3%.

Trong những năm gần đây, "trung lập carbon" đã trở thành một xu hướng phát triển được nhiều quốc gia ủng hộ, và chính sách bảo vệ môi trường này cũng là 1 yếu tố làm tăng giá cả.

Theo báo cáo do Viện Chiến lược Tương lai KDB công bố, với việc thực hiện chính sách “carbon trung tính” toàn cầu, nhu cầu về nguyên liệu thô thân thiện với môi trường cần thiết để sản xuất xe điện đã tăng lên đáng kể trong quý III năm nay. Theo đó, giá lithium (395,4%), magiê (290,5%) và mangan (102,6%) đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc nhiều nhà máy tại Trung Quốc ngừng sản xuất do thực hiện các chính sách giảm phát thải và giảm các-bon đã khiến nguồn cung nguyên liệu giảm mạnh, điều này càng thúc đẩy giá nguyên liệu tăng. Đồng thời, ngành kinh doanh vận tải biển đang phải đối mặt với những nút thắt trong hoạt động khiến giá cước vận tải quốc tế tăng cao.

Theo Hội nghị về Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), giá cước vận tải container tại một số cảng đã tăng gấp hơn 7 lần trong quá khứ. Nếu xu thế này tiếp tục kéo dài, giá nhập khẩu và giá tiêu dùng toàn cầu sẽ tăng lần lượt 10,6% và 1,5% vào năm 2023.

Được biết, trong tháng 10 giá tiêu dùng tại Hoa Kỳ đã tăng 6,2% và tại Liên minh châu Âu là 4,1%.

Ngoài ra, sự gia tăng các ca nhiễm của biến chủng của Omicron một lần nữa đưa nền kinh tế đang tìm cách phục hồi trở lại điểm ban đầu, các nhà máy sản xuất và cảng biển một lần nữa bị đóng cửa và tắc nghẽn.

Ngân hàng đầu tư quốc tế Goldman Sachs cho biết, trong trường hợp xấu nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong quý I/2022 dự kiến ​​sẽ giảm từ 4,5% xuống còn 2%.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기