Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc xếp thứ 3 trong OECD về quốc gia có nền kinh tế phục hồi tích cực sau đại dịch

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:09 04-03-2022
Một phân tích cho thấy so với trước khi xảy ra đại dịch coronavirus mới (COVID-19) hoạt động kinh tế của Hàn Quốc hiện nay được xếp vào danh sách "những nước chiến thắng" trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

 

Hàn Quốc đứng thứ 3 trong OECD về phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 [Ảnh=Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức]


Theo kết quả phân tích hoạt động kinh tế của 19 nước thành viên OECD hai năm sau đại dịch COVID-19 của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (IW-Köln) vào ngày 3 (theo giờ địa phương), có thể thấy rằng Hàn Quốc đã lọt vào top dẫn đầu về phục hồi kinh tế, chỉ xếp sau Đan Mạch và Thụy Điển.

Trong báo cáo '2 năm đại dịch: Ai là người chiến thắng' được công bố gần đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức đã so sánh, phân tích sự biến động 7 chỉ số là Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ lạm phát, thu nhập thực tế hộ gia đình, đầu tư, tỷ lệ nợ trên GDP, giá cổ phiếu của các quốc gia trong năm 2021 so với quý IV/2019.

Theo chỉ số, trong trường hợp GDP thực tế, hơn một nửa trong số 19 quốc gia tăng trưởng bất chấp đại dịch, nhưng có một khoảng cách lớn giữa các quốc gia. Đan Mạch tăng mạnh nhất với 5,2 điểm phần trăm, tiếp theo là Na Uy (3,4 điểm phần trăm), Ba Lan (3,2 điểm phần trăm), Hoa Kỳ (3,1 điểm phần trăm), Hàn Quốc (2,8 điểm phần trăm) và Hà Lan (2,8 điểm).

Đặc biệt, Viện lưu ý rằng Hàn Quốc đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ như một cường quốc xuất khẩu, hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng chất bán dẫn toàn cầu nhờ vào ngành công nghiệp bán dẫn cạnh tranh.

Ngược lại, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Đức và Ý nằm trong số các nền kinh tế hoạt động kém nhất. Tăng trưởng của Tây Ban Nha (-4%), Đức (-1,5%), Ý (-0,5%), Anh (-0,4%), Nhật Bản (0,2%) vẫn chưa thể khôi phục được quy mô kinh tế về mức tương tự trước khi bùng phát đại dịch.

Viện nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các nước Nam Âu như Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc cắt giảm chi tiêu do lệnh cấm du lịch. Các nước công nghiệp như Đức cũng chịu nhiều tác động tiêu cực từ sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng toàn cầu, tình trạng thiếu nguyên liệu thô và giá năng lượng tăng cao.

Báo cáo cũng cho thấy so với trước khi COVID-19 xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Hy Lạp (-3,0% P), Áo (-1,3% P), Đan Mạch (-0,7% P) và Hàn Quốc (-0,5% P) đã giảm đi, tuy nhiên Thụy Điển (1,3% P) và Canada (1,1% P) và Mỹ (0,9% P) lại tăng lên.

Thu nhập thực tế của hộ gia đình ở Canada (7,5% P), Ba Lan (6,7% P), Hoa Kỳ (5,5% P), Đan Mạch (2,8% P) và Hàn Quốc (2,2% P) tăng so với trước khủng hoảng, nhưng Tây Ban Nha (-5,5% P)% P) và Ý (-3,5% P) lại ghi nhận xu hướng giảm.

Nhìn chung, Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức đánh giá rằng các quốc gia tự do và có tổ chức tốt như Đan Mạch, Thụy Điển và Hàn Quốc đã ghi nhận thành tích tốt hơn về mặt kinh tế trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19. Ở chiều ngược lại, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Đức được đánh giá vẫn đang trong quá trình vượt qua giai đoạn khủng hoảng.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기