Kinh tế Chính trị

Tổng thống Hàn Quốc và chủ tịch Triều Tiên trao đổi thư từ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)23:55 22-04-2022
Tổng thống Moon Jae-in "Chúng ta phải vượt qua đối đầu thông qua đối thoại" Chủ tịch Kim Jong-un "Nếu nỗ lực hết mình mối quan hệ liên Triều có thể phát triển tốt đẹp hơn"
Nhà lãnh đạo Nam và Bắc Triều Tiên đã trao đổi thư cá nhân trong bối cảnh Tổng thống Moon Jae-in sắp mãn nhiệm.

Mặc dù quan hệ liên Triều đã trở nên căng thẳng hơn kể từ sau khi không đạt được tiếng nói chung trong 'Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội' vào năm 2019 và Triều Tiên gần đây liên tục có các hành động khiêu khích như bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng dường như liên lạc giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục được duy trì.


 

Tổng thống Moon Jae-in (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay nhau trước cuộc gặp thượng đỉnh tại Tongilgak, phía bắc Bàn Môn Điếm vào chiều 26/5/2018. [Ảnh=Nhà Xanh]


Tại một cuộc họp giao ban vào sáng ngày 22/4, người phát ngôn Nhà Xanh Park Kyung-mee đã thông báo về việc 2 nhà lãnh đao cấp cao đã trao đổi thư cá nhân. Vào sáng sớm cùng ngày, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cũng đưa tin với nội dung tương tự.

Trong một bức thư cá nhân gửi vào ngày 20, Tổng thống Moon bày tỏ sự tiếc nuối vì cuộc đối thoại liên Triều đã không đạt được thỏa thuận, tổng thống cho biết: "Mặc dù vẫn còn nhiều điểm đáng tiếc tuy nhiên tôi nghĩ rằng, kể từ khoảnh khắc có thể bắt tay Chủ tịch Kim, chúng ta đã tiến thêm một bước chắc chắn trong quá trình thay đổi số phận của Bán đảo Triều Tiên."

Đặc biệt, liên quan đến việc đình chỉ đối thoại liên Triều và hành động khiêu khích vũ trang của Triều Tiên gần đây, Tổng thống Moon nhấn mạnh “Chúng ta phải vượt qua kỷ nguyên đối đầu thông qua đối thoại. Tôi hy vọng đối thoại Mỹ - Triều sẽ được nối lại càng sớm càng tốt."

Nhà Xanh giải thích rằng mặc dù Tổng thống không trực tiếp yêu cầu Triều Tiên 'Dừng các hành động khiêu khích', nhưng thông qua việc nhấn mạnh vào yêu cầu đối thoại, rõ ràng phía Hàn Quốc đã thể hiện rõ lập trường của mình và trên thực tế cũng đồng nghĩa với yêu cầu Triều Tiên kiềm chế các hành động khiêu khích.

Tổng thống Moon cũng cho biết "Việc nối lại đối thoại là tùy thuộc vào chính phủ tiếp theo. Tôi hy vọng rằng Chủ tịch Kim cũng sẽ tham gia vào đối thoại liên Triều vì mục tiêu hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên."

Ông Moon Jae-in phát biểu "Thoả thuận Bàn Môn Điếm và Tuyên bố Bình Nhưỡng 19/9 nên là cơ sở để thống nhất. Tôi luôn tin tưởng và chờ đợi  vào các nỗ lực nối lại hòa bình. Sắp tới đây tôi sẽ trở lại là một công dân bình thường, nhưng trái tim tôi sẽ ở bên các bạn."

Vào ngày 21, Chủ tịch Kim Jong-un cũng đã có thư hồi đáp với nội dung "Chúng ta có thể chưa đạt được đúng những gì mà mình hy vọng, nhưng chúng ta đã đưa ra một thỏa thuận và tuyên bố lịch sử. Đây là thành quả không thể xóa nhòa."

Chủ tịch Kim cũng cho biết, "Có rất nhiều điều đáng tiếc, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng với những nỗ lực đầy tâm huyết, mối quan hệ liên Triều có thể phát triển tốt đẹp hơn."

"Quan điểm không thay đổi của tôi là quan hệ liên Triều có thể được phát triển hết mức nếu hai miền Nam-Bắc đặt sự chân thành của mình lên đầu, trên cơ sở những nỗ lực đã đạt được từ trước đến nay", nội dung thư của chủ tịch Kim cho biết.

Chủ tịch Kim Jong-un cũng viết thêm, "Tôi đánh giá cao và bày tỏ lòng biết ơn đối với Tổng thống Moon, người đã làm việc chăm chỉ vì sự nghiệp của đất nước cho đến phút cuối cùng."

Về việc trao đổi thư cá nhân, phát ngôn viên Nhà Xanh Park Kyung-mee cho biết "Cuộc đối thoại này được thực hiện với sự tin tưởng sâu sắc và sẽ là nền tảng cho sự phát triển của quan hệ liên Triều trong tương lai."

Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đánh giá việc trao đổi thư cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo là "dấu hiệu của sự tin cậy sâu sắc."

Hãng tin cũng giải thích "Hai nhà lãnh đạo chia sẻ quan điểm rằng nếu cùng nhau nỗ lực chân thành, quan hệ liên Triều sẽ cải thiện và phát triển phù hợp với nguyện vọng và mong đợi của người dân."

Các nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên đã thường xuyên trao đổi thư cá nhân, bắt đầu từ lá thư của Chủ tịch Kim đề nghị Tổng thống Moon thăm Bình Nhưỡng thông qua Kim Yo-jong, Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Trung ương Đảng, người đã đến thăm Nhà Xanh vào tháng Hai năm 2018.

Được biết, nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên vẫn tiếp tục trao đổi qua thư dù đối thoại liên Triều trên thực tế đã bị cắt đứt do không đạt được bất cứ thỏa thuận nào ở Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vào năm 2019 và xa hơn nữa là vào tháng Sáu năm 2020, do Triều Tiên đơn phương cắt đứt đường dây liên lạc.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기