Đời sống Xã hội

50% thanh niên bị khủng hoảng "Từng bị cha mẹ bạo hành"…Xung đột gia đình là nguyên nhân chính dẫn đến việc bỏ nhà

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:38 28-04-2022
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy trong số 10 thanh niên gặp khủng hoảng, có vấn đề với cuộc sống gia đình hoặc gặp khó khăn trong việc hòa nhập với xã hội thì có 4~5 người cho biết đã bị cha mẹ hoặc người giám hộ bạo hành thể xác hoặc bằng lời nói. Thêm vào đó, cứ 10 thanh niên gặp khủng hoảng thì có khoảng 2 người cố gắng tự làm hại bản thân trong năm qua.

 

Tỷ lệ thanh thiếu niên đã từng trải qua việc bạo hành về mặt thân thể hoặc bằng lời nói. [Ảnh=Bộ Bình đẳng giới và Gia đình]


Ngày 28, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã công bố kết quả 'Khảo sát năm 2021 về điều kiện sống của người sử dụng các tổ chức hỗ trợ thanh niên gặp khủng hoảng'. Đây là cuộc khảo sát đầu tiên của chính phủ nhằm tìm hiểu thực tế với đối tượng thanh niên gặp khủng hoảng. Khảo sát được tiến hành từ ngày 27/8~30/11 năm ngoái, với 4.399 thanh thiếu niên từ 9~18 tuổi đã sử dụng hoặc tham gia một tổ chức hỗ trợ thanh thiếu niên gặp khủng hoảng.
 
◇ 33% thanh niên gặp khủng hoảng đã bỏ nhà ra đi…70% "bỏ trốn do mâu thuẫn gia đình"
Kết quả của cuộc khảo sát cho thấy khoảng một nửa số thanh thiếu niên gặp khủng hoảng bị bạo lực thể xác (44,4%) và bạo lực bằng lời nói (46,0%) từ cha mẹ.

Đặc biệt, tỷ lệ trải nghiệm bạo lực thể chất và ngôn ngữ của thanh thiếu niên từng sử dụng nhà tạm lánh và trung tâm hỗ trợ thanh thiếu niên độc lập (những cơ sở bảo vệ và cung cấp không gian sinh hoạt cho thanh thiếu niên bỏ nhà) lần lượt đạt 72.1% và 72.9%.

32,6% số người được hỏi đã bỏ nhà ra đi. 22,6% người được hỏi cho biết họ đã trốn khỏi nhà trong vòng 1 năm trở lại đây.

Con số này cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với tỷ lệ thanh niên bỏ nhà đi trong năm 2020 (2,5%) tại thời điểm công bố kết quả khảo sát 'Điều tra Môi trường có hại và Hiện trạng sử dụng phương tiện truyền thông của thanh niên năm 2020'.

Những lý do phổ biến nhất khi bỏ nhà (được chọn nhiều đáp án) là mâu thuẫn với gia đình (69,5%), cuộc sống tự do (44,3%) và bạo lực gia đình (28,0%).

19,8% thanh thiếu niên gặp khủng hoảng đã từng trải qua việc bị vi phạm nhân quyền trực tuyến như tội phạm tình dục kỹ thuật số và rò rỉ thông tin cá nhân. Trong đó, tỷ lệ thanh thiếu niên nữ giới (26,6%) đã từng trải qua việc này cao gấp đôi thanh thiếu niên nam giới (13,5%).

Trong trường hợp thanh thiếu niên gặp khủng hoảng, tỷ lệ sử dụng chất có hại cũng cao hơn rất nhiều. 33,5% số người khảo sát cho biết có hút thuốc, 29,6% uống rượu và 0,9% cho biết họ đã từng sử dụng các chất gây ảo giác.

Đặc biệt, trong số các đối tượng khảo sát, tỷ lệ trải nghiệm những chất có hại ở trẻ vị thành niên được đưa vào trại giam, trung tâm quản chế là 72,7% đối với hút thuốc, 44,6% đối với uống rượu và 1,1% đối với các chất gây ảo giác.

Ngoài ra, 15,9% thanh thiếu niên gặp khủng hoảng cho biết họ bị bạo lực từ bạn bè hoặc đồng nghiệp tại trường học, công ty trong 1 năm gần đây. Tỷ lệ người được hỏi cho biết họ từng bị bạo lực tình dục là 4,3%.

 

Lý do chính dẫn đến quyết định bỏ nhà ra đi. [Ảnh=Bộ Bình đẳng giới và Gia đình]

 
◇ Hơn 25% số người được hỏi cho biết đã từng bị trầm cảm…Gần 10% cho biết đã từng đưa ra lựa chọn cực đoan
Theo kết quả của việc kiểm tra các đặc điểm tâm lý và cảm xúc của thanh thiếu niên gặp khủng hoảng, 26,2% số người được hỏi cho biết họ đã từng bị trầm cảm trong năm qua.

Theo giới tính, thanh thiếu niên nữ giới (32,1%) có tỷ lệ trầm cảm cao hơn thanh thiếu niên nam giới (20,6%).

18,7% số người được hỏi nói rằng họ đã cố gắng tự làm hại bản thân trong năm qua, và nữ vị thành niên (29,8%) có tỷ lệ cao hơn nam vị thành niên (8,2%).

9,9% số người được hỏi nói rằng họ đã thử các lựa chọn cực đoan, trong đó nữ giới (13,9%) tiếp tục ghi nhận tỷ lệ cao hơn so với nam giới (6,1%).

Kim Kwon-young, Giám đốc Phòng Chính sách thanh niên tại Bộ Bình đẳng giới và Gia đình, cho biết, "Tỷ lệ nữ vị thành niên trải qua bạo lực gia đình, vi phạm nhân quyền trực tuyến và bạo lực tình dục cao hơn so với nam vị thành niên. Do những trải nghiệm tiêu cực này, có vẻ như tình trạng trầm cảm ở thanh thiếu niên nữ là khá cao, theo đó tỷ lệ tự làm hại bản thân hoặc cố gắng tự tử cũng tăng nhanh."

Hầu hết những người được hỏi cho rằng tâm lý lo lắng (48,4%) và xung đột/bạo lực trong gia đình (26,3%) là những lý do khiến họ đưa ra lựa chọn cực đoan.

45,2% thanh niên sử dụng mái ấm thanh niên và trung tâm hỗ trợ độc lập dành cho thanh niên và 59,2% thanh niên sử dụng các cơ quan chuyên trách bảo vệ trẻ em cho rằng họ đã lựa chọn cực đoan vì mâu thuẫn gia đình và bị xâm hại.

 

Tỷ lệ thanh thiếu niên đã từng tự làm hại bản thân và đưa ra lựa chọn cực đoan. [Ảnh=Bộ Bình đẳng giới và Gia đình]

 
◇ 1/10 thanh niên gặp khủng hoảng cho biết "Lúc khó khăn không biết kêu gọi giúp đỡ từ ai"
'Bạn bè hoặc đồng nghiệp' (67,4%) là những người có nhiều khả năng giúp đỡ nhất khi không sống cùng gia đình.

Sau khi bị bạo lực, 37,8% thanh niên gặp khủng hoảng đã từng nhận được sự giúp đỡ từ các tổ chức thanh niên, trường học và cơ sở y tế. Ngược lại, có 11,0% người được hỏi nói rằng họ không có ai để yêu cầu giúp đỡ khi cần thiết.

Khó khăn nhất của cuộc sống bên ngoài gia đình là 'thiếu chi phí sinh hoạt' (54,0%). Tiếp theo là 'không có nơi để về hoặc nghỉ ngơi' (42,4%), 'trầm cảm/lo lắng' (33,3%) và 'không có việc làm' (20,9%).

Sự hỗ trợ mà thanh niên sống xa gia đình cần nhất là 'hỗ trợ kinh tế như chi phí sinh hoạt' (37,1%) và 'hỗ trợ sinh hoạt như cung cấp nơi ở' (34,3%).

Những khó khăn mà thanh niên gặp khủng hoảng phải đối mặt là 'lo lắng về tương lai' (45,9%), 'khó tìm được con đường sự nghiệp' (30,9%) và 'mâu thuẫn với gia đình' (27,2%).

Các dịch vụ hỗ trợ mà thanh niên gặp khủng hoảng mong muốn nhận được là 'tìm việc làm' (77,6%), 'được cấp chứng chỉ/nhận được hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp' (76,6%) và 'khám sức khỏe' (76,4%).

Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát tìm hiểu thực tế này, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình có kế hoạch tăng cường các chính sách bảo vệ và phúc lợi dành cho đối tượng thanh thiếu niên.

Để thanh thiếu niên gặp khủng hoảng có thể nhận được tư vấn và hỗ trợ cần thiết một cách tiện lợi hơn, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch xây dựng trung tâm cuộc gọi tổng hợp 1388 tư vấn thanh thiếu niên và tăng cường quảng bá cho các cơ quan hỗ trợ thanh thiếu niên gặp khủng hoảng.

 

[Ảnh=Getty Images Bank]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기