Kinh tế Chính trị

[30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc] Hyosung tìm kiếm cơ hội 'chuyển mình' tại Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:10 26-12-2022
Việt Nam - mảnh đất đầy cơ hội được chủ tịch Cho Hyun-jun 'nhắm tới' Gặt hái thành quả từ việc đầu tư và bản địa hóa không ngừng

Nhà máy Hyosung Việt Nam áp dụng hệ thống nhà máy thông minh [Ảnh=Hyosung]

Hyosung được thành lập năm 1966, là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc hoạt động trên nhiều lĩnh vực như vật liệu công nghiệp, sợi, hóa chất, công nghệ thông tin, xây dựng, thương mại.

Trong số nhiều thị trường tiềm năng, Hyosung đã lựa chọn Việt Nam trở thành tiền đồn toàn cầu mới của tập đoàn và không ngừng đầu tư vào đây. Chủ tịch Hyosung Cho Hyun-joon (chủ sở hữu thế hệ thứ ba của tập đoàn) đã chú ý đến những thế mạnh tiềm ẩn của Việt Nam từ giữa những năm 2000 khi ông còn đang giữ vị trí giám đốc bộ phận chiến lược. Nỗ lực mà tập đoàn Hyosung bỏ ra là không hề nhỏ để biến một vùng đất chỉ toàn cây cao su trở thành nhà máy hóa chất nặng quy mô lớn nhất Việt Nam. Với những kết quả đạt được Hyosung đã ghi được dấu ấn sâu sắc tại Việt Nam.

Việt Nam có đường vận tải đường biển thông qua Biển Đông hoạt động rất tích cực cho phép hàng hóa xuất khẩu có thể nhanh chóng di chuyển vào Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, thêm vào đó là lực lượng lao động dồi dào với 50% dân số ở độ tuổi từ 20~40. Chính phủ Việt Nam đã tận dụng triệt để lợi thế này để tích cực thu hút vốn nước ngoài, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế. Với nhiều điểm thuận lợi như vậy, Việt Nam là quốc gia được Hyosung ưu tiên hàng đầu khi tìm kiếm cứ điểm sản xuất ở nước ngoài. 

◆ Chiến lược nội địa hóa và đầu tư kiên trì đã biến Hyosung Việt Nam trở thành 'cứ điểm' quan trọng

Các lĩnh vực kinh doanh chính của Hyosung bao gồm dệt may, vật liệu công nghiệp, xây dựng, công nghiệp nặng và thương mại. Ngoài các cơ sở kinh doanh trong nước, Hyosung còn có nhiều cơ sở kinh doanh ở nước ngoài trên khắp thế giới bao gồm Trung Quốc, Đông Nam Á, Châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Sau Trung Quốc, Việt Nam đang ngày một gia tăng tỷ trọng trong mạng lưới toàn cầu của Hyosung.

Trước khi chính thức thâm nhập vào Việt Nam, Hyosung đang rất cần một đầu cầu để xuất khẩu sản phẩm ra thế giới đồng thời giải quyết gánh nặng chi phí đang gia tăng. Sau khi tham quan khảo sát địa điểm nhà máy cùng với ban lãnh đạo của các công ty thành viên, Chủ tịch Cho Hyun-joon là người đã trực tiếp dẫn dắt tập đoàn Hyosung đầu tư vào Việt Nam. Năm 2007, chủ tịch Cho thành lập pháp nhân Việt Nam (Hyosung Việt Nam) tại Khu liên hợp công nghiệp Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sau đó tới năm 2015 Hyosung tiếp tục thành lập thêm pháp nhân Đồng Nai (Hyosung Đồng Nai).

Hyosung đã vô cùng nỗ lực tìm hiểu tình hình địa phương trước khi quyết định chính thức đầu tư vào Việt Nam. Cá nhân Chủ tịch Cho thường xuyên đến thăm Việt Nam và gặp gỡ các quan chức trong đó có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó giữ vị trí Thủ tướng). Sau thời gian tìm hiểu và cân nhắc, chủ tịch Cho có thể khẳng định rằng Việt Nam có đủ tiềm năng trở thành quốc gia thay thế cho Trung Quốc.

Giữa những năm 2000, khi Hyosung bắt đầu tiến vào Việt Nam cũng là lúc Việt Nam đẩy mạnh cải cách, mở cửa nền kinh tế bằng việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều quốc gia. Chính phủ Việt Nam gửi lời kêu gọi đến các công ty có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi như giảm tiền thuê đất và thuế doanh nghiệp. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Hyosung về một cơ sở sản xuất toàn cầu mới.

Số tiền mà Hyosung đã đầu tư vào Việt Nam cho đến nay là khoảng 1,8 tỷ đô la. Hiện, Hyosung Việt Nam đang sản xuất các sản phẩm như các loại sợi sử dụng trong công nghiệp bao gồm spandex, sợi lốp xe (tire cord), vật liệu gia cố lốp xe ô tô và động cơ.

Trong số đó, nhà máy spandex và nhà máy sợi lốp xe tại Việt Nam được công nhận là có năng lực sản xuất cao nhất trong số các cơ sở sản xuất toàn cầu của Hyosung.

Spandex là một loại sợi tổng hợp bao gồm hơn 85% polyurethane và được sử dụng trong nhiều loại quần áo chức năng (đa số là đồ thể thao) vì tính đàn hồi cao của nó. Thậm chí nó còn được gọi là 'chất bán dẫn của ngành dệt may' vì giá trị gia tăng cao. Sợi lốp xe đóng vai trò là khung xương nâng cao độ bền của lốp và hiện Hyosung đang là doanh nghiệp sản xuất sợi lốp xe polyester số 1 thế giới.

Hyosung đã giới thiệu một hệ thống sản xuất nhất quán cho các nhà máy sản xuất spandex và sợi lốp xe của mình tại Việt Nam để nâng cao hiệu quả. Toàn bộ quá trình từ nguyên liệu thô đến thành phẩm được kết nối một cách có hệ thống nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng suất. Nhờ đó, Hyosung Việt Nam đã tạo ra doanh thu hơn 4.000 tỷ won và nổi lên thành 'cứ điểm' quan trọng trong các cơ sở sản xuất tại nước ngoài của tập đoàn.

 

Nhà máy Hyosung Chemical Vina tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu [Ảnh=Hyosung]


Chơ tới nay, các khoản đầu tư của Hyosung vào Việt Nam vẫn được thực hiện đều đặn. Kể từ năm 2018, Hyosung đã đầu tư 1,3 tỷ đô la vào tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (khu vực miền nam) để sản xuất polypropylene (PP), một nguyên liệu thô cho nhựa. Hyosung cũng đầu tư 300 triệu đô la vào tỉnh Quảng Nam (khu vực miền trung) để sản xuất vật liệu gia cố lốp xe và túi khí ô tô. Năm 2021, Hyosung đã đầu tư 100 triệu đô la vào tỉnh Bắc Ninh (khu vực phía bắc) để thành lập một nhà máy sản xuất máy rút tiền ATM.

Chiến lược nội địa hóa triệt để của Hyosung cũng đã giúp tập đoàn tiếp tục gặt hái được nhiều thành công sau khi tiến vào thị trường Việt Nam. Hyosung đã thiết lập chính sách hoạt động lấy con người làm trung tâm tại địa phương và thuê gần 10.000 nhân lực địa phương. Ở mỗi giai đoạn kinh doanh, bao gồm sản xuất, kiểm soát chất lượng và bán hàng, những bí quyết quản lý được tích lũy trong và ngoài nước đã được tập đoàn truyền lại cho Hyosung Việt Nam. Điều này đặt nền móng giúp cho người lao động Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa để phát triển thành các nhà quản lý.

◆ Bây giờ chính là thời điểm để đầu tư cho tương lai…Tăng tốc 'chuyển đổi kỹ thuật số'

Hyosung đã và đang tăng cường ảnh hưởng của mình tại Việt Nam bằng cách lắng nghe nhu cầu của khách hàng toàn cầu về công nghệ và chất lượng. Ngoài ra, nhờ đầu tư ổn định với trung bình hơn 100 triệu đô la mỗi năm, tập đoàn cũng đã duy trì được mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ Việt Nam. Sau 15 năm tiến vào Việt Nam, giờ đây Hyosung đã trở thành một doanh nghiệp nước ngoài cốt lõi tại Việt Nam.

Trong tương lai, Chủ tịch Cho vẫn muốn ưu tiên dành các khoản đầu tư cho Việt Nam. Hyosung đang xem xét việc xây dựng một cơ sở sản xuất vật liệu tiên tiến bằng cách thuê thêm một địa điểm bên cạnh nhà máy sản xuất vật liệu gia cố lốp xe ở Quảng Nam. Tập đoàn cũng đang có kế hoạch mở rộng các cơ sở ở khu vực phía nam và đưa vào áp dụng hệ thống sản xuất nhất quán từ nguyên liệu dệt may cho tới sản phẩm cuối cùng.

Kế hoạch đầu tư trung và dài hạn cũng đã được vạch ra. Để phù hợp với những nỗ lực mở rộng cơ sở hạ tầng gần đây của chính phủ Việt Nam, Hyosung đang xem xét, đánh giá các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị và cung cấp nguyên liệu điện. Ngoài ra, cũng có thông tin rằng tập đoàn đang tìm kiếm các phương án, kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) và công nghệ tài chính (fintech).

Thêm vào đó, Hyosung quyết tâm đẩy nhanh quá trình 'chuyển đổi số' nhằm nâng cấp các cơ sở sản xuất tại Việt Nam lên thành nhà máy thông minh. Nhà máy thông minh là nhà máy sử dụng CNTT để quản lý trạng thái hoạt động theo thời gian thực và tự động hóa các tác vụ có độ khó cao ở cường độ cao. Ngoài ra, để tham gia ứng phó với biến đổi khí hậu, Hyosung cũng có kế hoạch mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh hàng dệt may tái chế (recycled) và giảm phát thải carbon tại các địa điểm kinh doanh.


※ Bài viết gốc được viết bằng tiếng Hàn bởi phóng viên Seong Sang-yeong ( sang@ajunews.com) của Economic Daily thuộc AJU News.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기