Seoul đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh thành phố toàn cầu, tăng một bậc so với năm ngoái.
Trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn diện của các thành phố toàn cầu (GPCI) năm 2022 do Viện Chiến lược đô thị trực thuộc Quỹ Mori Memorial (công ty phát triển đô thị tiêu biểu của Tokyo, Nhật Bản) công bố ngày 8 (theo giờ địa phương), Seoul xếp thứ 7 trong tổng số 48 thành phố lớn được đánh giá. Cụ thể, Viện Chiến lược đô thị tiến hành đánh giá toàn diện dựa trên 6 hạng mục chính: kinh tế đô thị, nghiên cứu và phát triển, giao lưu văn hóa, dân cư, môi trường và giao thông.
Vào năm 2008, Seoul xếp thứ 13 trong danh sách và tăng lên vị trí thứ 6 vào năm 2017. Sau đó từ năm 2018, khả năng cạnh tranh của Seoul đã giảm sút và liên tục đứng ở vị trí thứ 8.
Vị trí đầu tiên và thứ hai lần lượt thuộc về London (Anh) và New York (Mỹ), hai thành phố này cũng đã liên tục giữ vững vị trí của mình trong 10 năm. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Tokyo (Nhật Bản), Paris (Pháp), Singapore, Amsterdam (Hà Lan).
Berlin (Đức) xếp ở vị trí thứ 8, Melbourne (Úc) thứ 9 và Thượng Hải (Trung Quốc) ở vị trí thứ 10.
London nhận được số điểm cao trong hạng mục văn hóa và trao đổi. New York được đánh giá cao trong các hạng mục kinh tế (hạng nhất) và nghiên cứu và phát triển (hạng nhất), nhưng các chỉ số môi trường như chất lượng không khí và mức độ hài lòng với sự sạch sẽ của thành phố được cho là khá thấp.
Seoul xếp thứ 14 về kinh tế, thứ 6 về nghiên cứu và phát triển, thứ 15 về văn hóa và trao đổi, thứ 35 về cư trú, thứ 14 về môi trường và thứ 16 về giao thông và tiếp cận. Xét theo lĩnh vực, xếp hạng kinh tế và nhà ở của Seoul cho thấy sự cải thiện trong khi văn hóa/trao đổi và giao thông/khả năng tiếp cận lại giảm sút.
Viện Chiến lược đô thị cho biết: "Seoul, giống như các thành phố khác, bị giảm lượng du khách nước ngoài vào năm 2022, nhưng nhờ sự phổ biến của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc giới thiệu các điểm tham quan của Seoul, trong lĩnh vực 'các lựa chọn hoạt động ban đêm' đã tăng lên đáng kể. Dự kiến điểm số của lĩnh vực trao đổi văn hóa sẽ tiếp tục tăng trong tương lai."