Kinh tế Chính trị

Chi nhánh nước ngoài của các công ty chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận lợi nhuận khủng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:01 30-03-2023
Theo số liệu mới được báo cáo gần đây, các công ty chứng khoán Hàn Quốc đã ghi nhận khoản lãi ròng hơn 120 tỷ won thông qua các chi nhánh ở nước ngoài.

 

Tình hình lợi nhuận ròng của pháp nhân nước ngoài của các công ty chứng khoán Hàn Quốc vào năm 2022. [Ảnh=Dịch vụ Giám sát Tài chính]

Theo Hệ thống thông tin điện tử của Dịch vụ giám sát tài chính vào ngày 29, 9 công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu hơn 4 nghìn tỷ won (khoảng 3 tỷ USD) vào năm ngoái đã kiếm được tổng cộng 121,53 tỷ won (khoảng 93,38 triệu USD) lợi nhuận ròng thông qua 42 chi nhánh (pháp nhân) ở nước ngoài. Cụ thể, nếu xét theo quốc gia, các doanh nghiệp chứng khoán thành lập pháp nhân tại thị trường Mỹ là nhiều nhất với 9 cơ sở, tiếp theo là tại Indonesia với 7 cơ sở, Việt Nam với 6 cơ sở.

Trong số 9 công ty được thống kê, Mirae Asset Securities là công ty chứng khoán tạo ra nhiều lợi nhuận ròng nhất từ ​​các pháp nhân ở nước ngoài với 91,312 tỷ won (khoảng 70,18 triệu USD). Trong số đó, pháp nhân Việt Nam đứng đầu với 37,284 tỷ won (khoảng 28,6 triệu USD), theo sau là pháp nhân tại Mỹ 23,866 tỷ won, Hồng Kông 20,272 tỷ won, Anh 13,043 tỷ won.

Mirae Asset Securities có tổng cộng 10 chi nhánh ở nước ngoài, nhiều nhất trong số 9 công ty chứng khoán được thống kê tại đây. Korea Investment & Securities xếp thứ hai với 8 chi nhánh nước ngoài, tiếp theo là NH Investment & Securities (7), KB Securities (5) và Shinhan Investment & Securities (4).

Một quan chức của Mirae Asset Securities cho biết: "Chúng tôi đang mở rộng chiến lược chuyên môn hóa theo khu vực dựa trên mạng lưới và bí quyết kinh doanh tại thị trường nước ngoài đã được tích lũy trong một thời gian dài. Kết quả tích cực của pháp nhân Việt Nam và Indonesia, những chi nhánh đã thiết lập cơ cấu lợi nhuận cân bằng bằng cách nội địa hóa triệt để, đã góp phần giúp Mirae Asset Securities củng cố vị thế của mình với tư cách là một công ty chứng khoán toàn diện".

"Pháp nhân Ấn Độ đã hoàn thành việc phát triển nền tảng bán lẻ trực tuyến và đang trong quá trình phát triển thành một công ty cổ phần môi giới trực tuyến. Là một IB (tài chính doanh nghiệp) toàn cầu, Mirae Asset Securities sẽ dẫn đầu trong xuất khẩu tài chính của Hàn Quốc, đóng góp cho nền kinh tế quốc gia và tạo việc làm cho thế hệ tiếp theo, đồng thời hoàn thành các trách nhiệm và sứ mệnh xã hội của mình".

KB Securities và Hana Securities cũng ghi nhận khoản lãi ròng hơn 10 tỷ won trong năm 2022, lần lượt là 13,337 tỷ won và 10,233 tỷ won. Trong đó, với KB Securities, pháp nhân Việt Nam của công ty kiếm được 12,933 tỷ won và pháp nhân Indonesia kiếm được 5,827 tỷ won. Với Hana Securities, pháp nhân Thâm Quyến đã ghi nhận lợi nhuận ròng 10,871 tỷ won.

Một quan chức của Hana Securities cho biết: "Thông qua nỗ lực tích cực nội địa hóa chúng tôi đang hợp tác và thỏa thuận với các nhà đầu tư địa phương nhằm hiện thực hóa lợi nhuận. Chúng tôi đang củng cố nguồn nhân lực bằng cách tăng cường liên lạc với chính quyền quốc gia sở tại và tìm nguồn cung ứng nhân tài địa phương cũng như nhiều chiến lược phù hợp với từng quốc gia".

Bên cạnh đó, Shinhan Investment & Securities,  Korea Investment & Securities, Samsung Securities cũng đã lần lượt ghi nhận 6,017 tỷ won, 4,692 tỷ won, 2,162 tỷ won lợi nhuận ròng thông qua các pháp nhân ở nước ngoài.

Ngược lại, NH Investment & Securities (-3,952 tỷ won) và Kiwoom Securities (-2,27 tỷ won) chịu lỗ ròng từ các công ty con ở nước ngoài.

Mặt khác, Việt Nam là quốc gia mang lại lợi nhuận ròng nhiều nhất cho các công ty chứng khoán của Hàn Quốc. Lợi nhuận ròng của tổng cộng 6 pháp nhân Việt Nam của các công ty Hàn Quốc tạo ra trong năm 2022 là 63 tỷ won.

 

[Ảnh=dbeorlf123@ajunews.com]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기