Kinh tế Chính trị

Các công ty công nghiệp quốc phòng và năng lượng Hàn Quốc đạt được thành quả sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Yoon…Ký kết hợp tác với nhiều DN Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:46 27-06-2023
Bằng việc tận dụng các biên bản ghi nhớ (MOU) được ký kết nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Yoon Suk-yeol tới Việt Nam, ngành công nghiệp quốc phòng và năng lượng Hàn Quốc đang tích cực lên kế hoạch tấn công tổng lực vào thị trường Việt Nam, nơi được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá là vẫn còn khá mới mẻ, chưa được khai phá trong các lĩnh vực liên quan.

 

Lễ ký kết MOU cho dự án chuyển đổi nhiên liệu thân thiện với môi trường được tổ chức tại Hà Nội (Việt Nam) vào ngày 23/6/2023 với sự có mặt của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Lee Chang-yang (thứ 8 từ trái sang), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng (thứ 9 từ trái sang). [Ảnh=Yonhap News]

Theo Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc vào ngày 26, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Yoon, các công ty Hàn Quốc và Việt Nam đã ký 111 Biên bản ghi nhớ (MOU) và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Điều này có nghĩa là sẽ có 111 trường hợp hợp tác cụ thể có thể dẫn đến các dự án thực tế.

Lĩnh vực nhận được nhiều sự chú ý nhất là quốc phòng.

Việt Nam trước đây phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc và Nga trong lĩnh vực quốc phòng, nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi trong tương lai. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh và công nghiệp quốc phòng. Đáp lại Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng cho biết ông sẽ xúc tiến trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc trong việc thay thế các máy bay trực thăng quân sự cũ của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, vào ngày 23 tại khách sạn JW Marriott ở Hà Nội, Công ty Hàng không vũ trụ Hàn Quốc (Korea Aerospace Industries·KAI) đã ký Biên bản ghi nhớ với Viện Hàng không vũ trụ Viettel (VTX), đơn vị phát triển, thiết kế và sản xuất thiết bị hàng không và vũ trụ.

Theo thỏa thuận này, KAI và VTX sẽ khám phá các thị trường tiềm năng cho nhu cầu về máy bay trực thăng tại Việt Nam và tích cực hợp tác trong việc phát triển và sản xuất cánh quạt. Trong tương lai, 2 công ty có dự định thành lập một nhóm tư vấn cấp nghiệp vụ và ủy ban đánh giá để cụ thể hóa dự án.

Trong ngành công nghiệp quốc phòng, người ta phân tích rằng hợp tác kinh doanh giữa KAI và VTX là giai đoạn tiền đề cho xuất khẩu Surion. Mặc dù hợp đồng xuất khẩu chưa được ký kết ngay lập tức, nhưng các cơ hội kinh doanh mới có thể được tìm thấy trong quá trình hợp tác giữa 2 bên, và điều này khả năng cao sẽ dẫn đến việc mua bán sản phẩm.

Hoạt động thương mại của KAI cũng có thể sẽ dẫn đến việc xuất khẩu pháo tự hành Hanwha Aerospace K9, xe tăng Hyundai Rotem K2, hệ thống vũ khí LIG Nex1 và Hanwha Systems. Từ đó, kỳ vọng vào việc Việt Nam sẽ nổi lên như một thị trường xuất khẩu mới cho các công ty quốc phòng Hàn Quốc cũng ngày một tăng lên.

Ngoài lĩnh vực quốc phòng, Hàn Quốc cũng tích cực tìm kiếm thêm các cơ hội hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam.

Các tập đoàn lớn như SK, GS và Doosan đã quyết định tăng cường hợp tác với các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực như trung hòa carbon, điện và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Vào ngày 23, Doosan Enerbility cũng thông báo đã ký "thỏa thuận kinh doanh nhằm thúc đẩy dự án chuyển đổi sang nhiên liệu thân thiện với môi trường" với các công ty điện lực địa phương tại Việt Nam.

Doosan Enerbility có kế hoạch theo đuổi kinh doanh đốt hỗn hợp amoniac với công ty phát điện Việt Nam 'PV Power' và cùng phát triển công nghệ chuyển đổi nhiên liệu thân thiện với môi trường với 'EVN GENCO3', công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Cùng ngày, Tập đoàn Doosan cũng thông báo rằng họ đã quyết định mở rộng sản xuất vật liệu điện tử cho xe điện thế hệ tiếp theo với sự hợp tác của tỉnh Hải Dương của Việt Nam.

Dự án của Tập đoàn Doosan (Hàn Quốc) tại Hải Dương là mở rộng nhà máy sản xuất bảng mạch in dạng cáp dẻo và linh kiện của hệ thống quản lý pin cho xe điện; thực hiện quyền xuất khẩu/nhập khẩu/bán buôn liên quan đến các sản phẩm nói trên theo luật và quy định hiện hành.

Doosan đã thành lập đơn vị tại Việt Nam vào năm 2020 và xây dựng nhà máy sản xuất hàng loạt PFC tại Hải Dương vào tháng 10/2022. PFC được xem là vật liệu điện tử thế hệ mới thay thế dây đồng, vốn rất cần thiết cho ngành công nghiệp xe điện.

Bên cạnh Doosan, SK E&S cũng đã đồng ý xây dựng chuỗi giá trị hydro tại Việt Nam với sự hợp tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam).

Daewoo E&C cũng quyết định triển khai hoạt động kinh doanh năng lượng mới và năng lượng tái tạo với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành, một công ty đầu tư xây dựng và phát triển tại Việt Nam.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기