Đời sống Xã hội

80% người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc cảm thấy hài lòng với cuộc sống ở Hàn

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:15 07-09-2023
Kết quả một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 80% người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc hài lòng với cuộc sống của họ tại đây. Tuy nhiên, 20% còn lại cho biết họ đã từng bị phân biệt đối xử.

 
 Du khách nước ngoài đang chụp ảnh kỷ niệm tại Seoul Festa 2023 - Quảng trường Văn hóa Seoul được tổ chức tại Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul vào chiều ngày 3042023 ẢnhYonhap News
Du khách nước ngoài đang chụp ảnh kỷ niệm tại Seoul Festa 2023 - Quảng trường Văn hóa Seoul được tổ chức tại Quảng trường Gwanghwamun ở Seoul vào chiều ngày 30/4/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo kết quả phân tích 'Cuộc sống của người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc' thông qua khảo sát bằng phương pháp phỏng vấn 20.000 người nước ngoài (không bao gồm những người đã được cấp quốc tịch trong vòng 5 năm gần đây) vào tháng 5/2022, khoảng 40,8% người được khảo sát trả lời rằng "rất hài lòng với cuộc sống ở Hàn Quốc" và 39,6% cho biết "tương đối hài lòng", đồng nghĩa với tỷ lệ hài lòng chung là 80,4%.

Mặt khác, chỉ có 1,7% cho biết rằng "hơi không hài lòng" và 0,2% trả lời rằng "rất không hài lòng".

Kết quả khảo sát cũng cho thấy 19,7% người nước ngoài ở lại Hàn Quốc trong năm qua trả lời rằng họ đã từng bị phân biệt đối xử. Lý do phổ biến nhất dẫn đến sự phân biệt đối xử là quốc gia xuất xứ (58%), trình độ tiếng Hàn (27,9%) và ngoại hình (8,3%).

Những người được khảo sát cũng cho biết thường gặp phải tình huống bị phân biệt tại các cửa hàng, quán ăn, ngân hàng hoặc nơi làm việc.

Cụ thể, có tới 5,4% người nước ngoài trả lời rằng "bị phân biệt đối xử nghiêm trọng"  và 37,6% "bị phân biệt đối xử nhẹ" tại các cửa hàng, quán ăn và ngân hàng. Tỷ lệ người bị phân biệt đối xử ở mức độ nặng hoặc mức độ nhẹ tại văn phòng/nơi làm việc cũng lần lượt là 7,6% và 34,1%.

Về các vấn đề khó khăn khi sống ở Hàn Quốc, phần lớn (43,4%) người nước ngoài cho rằng "ngôn ngữ" là trở ngại lớn nhất. Tiếp theo là "sự cô đơn" (28,8%), "khác biệt về văn hóa" như lối sống và ẩm thực (27,8%), "khó khăn về kinh tế" (20%).

Về các hoạt động giải trí trong cuộc sống hàng ngày, những người nước ngoài được khảo sát cho biết họ chủ yếu "xem TV" (57,3%), "hoạt động thư giãn" (49,1%) chẳng hạn như ngủ hoặc đi xông hơi. Xét theo giới tính, nam giới thường chơi game và sử dụng mạng Internet trong khi nữ giới sẽ dành thời gian xem TV hoặc tham gia các hoạt động liên quan đến sở thích/phát triển bản thân.

Theo điều tra dân số và nhà ở của Văn phòng Thống kê Hàn Quốc, tính đến cuối năm ngoái, số người nước ngoài sống ở Hàn Quốc là 1,75 triệu, tăng 102.000 (6,2%) trong một năm. Con số này chiếm khoảng 3,4% tổng dân số.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch ứng phó với vấn đề suy giảm dân số do tỷ lệ sinh thấp và già hóa bằng cách mở rộng dòng người nước ngoài thông qua chính sách nhập cư. Các chuyên gia cho rằng việc nâng cao nhận thức xã hội của công chúng dựa trên cơ cấu nhân khẩu học đang thay đổi là điều cấp thiết.

Koo Jeong-woo, giáo sư xã hội học tại Đại học Sungkyunkwan cho biết: "So với trước đây, ngày càng có nhiều người nước ngoài muốn ở lại Hàn Quốc để học tập hoặc làm việc. Không nhưng vậy, trong bối cảnh Hàn Quốc đang phải đối mặt với "vách đá nhân khẩu học", sự cần thiết của việc đưa thêm lao động nước ngoài vào Hàn Quốc đang lớn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên người dân nước ta vẫn còn thái độ bài trừ đối với người nước ngoài".

"Chính quyền địa phương, chính phủ, các nhóm dân sự, v.v. phải cung cấp giáo dục và đào tạo về những thay đổi nhân khẩu học này để nâng cao nhận thức và sự thấu hiểu của người dân đối với người nước ngoài", giáo sư Koo nhấn mạnh.

Song Jun-hyuk, Giám đốc Viện Phát triển Thống kê, cho biết: "Dân số người nước ngoài ngày càng tăng nên nhu cầu thống kê để dự báo dân số và phát triển chính sách cho người nước ngoài cũng ngày càng trở nên cần thiết hơn. Chúng tôi hy vọng rằng kết quả phân tích cuộc sống của người nước ngoài lưu trú tại Hàn Quốc này sẽ đóng vai trò là chất xúc tác cho nỗ lực thúc đẩy hội nhập xã hội và sự thuận tiện nhằm ứng phó với những thay đổi trong cơ cấu nhân khẩu học, chẳng hạn như sự gia tăng người nhập cư và sự lan rộng của các gia đình đa văn hóa".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기