Đời sống Xã hội

Nhập khẩu đồ uống có cồn vào Hàn Quốc ↑54% trong 4 năm trong khi xuất khẩu chỉ tăng 2%

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:59 23-11-2023
Được hỗ trợ bởi sự tiêu thụ tích cực đối với các sản phẩm đồ uống có cồn ngoại nhập của người tiêu dùng trẻ ở độ tuổi 20~30, nhập khẩu rượu và đồ uống có cồn nói chung từ nước ngoài vào Hàn Quốc đã tăng đáng kể 54% trong vòng 4 năm trở lại đây kể từ năm 2018. Tuy nhiên, xu thế này đã dẫn đến việc thâm hụt cán cân thương mại của đồ uống có cồn tại Hàn Quốc cũng đã tăng gấp đôi trong cùng thời kỳ.

 
Quầy trưng bày rượu ngoại tại một đại siêu thị ở Hàn Quốc ẢnhYonhap News
Quầy trưng bày rượu ngoại tại một đại siêu thị ở Hàn Quốc. [Ảnh=Yonhap News]
Việc tiêu thụ rượu whisky và các đồ uống có cồn do nước ngoài sản xuất đã trở nên phổ biến trong giới tiêu dùng trẻ tại Hàn Quốc kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu vào đầu năm 2020. Văn hóa '"uống một mình (honsul·혼술)" hay "uống tại nhà (homesul·홈술)" lan rộng trong những người yêu thích uống rượu khi họ muốn tận hưởng thời gian đặc biệt ở nhà một mình hoặc với 1~2 người bạn thân để thưởng thức các loại đồ uống có cồn.
  
Hiện tại, khoảng 10 tháng sau khi Hàn Quốc dỡ bỏ hầu hết các quy định kiểm dịch, một xu hướng uống rượu mới đã hình thành trong giới tiêu dùng trẻ tuổi và họ đang thưởng thức nhiều loại đồ uống cocktail và đồ uống "highball", một loại đồ uống được pha chế bằng rượu whisky với nước có ga hoặc nước tăng lực.
 
Theo dữ liệu nhận được từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc do Nghị sĩ Yoon Young-seok (Đảng Quyền lực Nhân dân) công bố trong cuộc họp Quốc hội vào ngày 10, nhập khẩu đồ uống có cồn vào Hàn Quốc bao gồm bia và rượu whisky đạt 1,62 tỷ USD vào năm 2022. Đây là mức tăng 54% trong 4 năm kể từ năm 2018 (1,05 tỷ USD).

Trong cùng thời gian (2018~2022), xuất khẩu đồ uống có cồn của Hàn Quốc bao gồm bia và rượu Soju (loại rượu truyền thống của Hàn Quốc; được chưng cất từ từ gạo, lúa mì hoặc lúa mạch lên men trong vòng 15 ngày) chỉ tăng 2% từ 420 triệu USD năm 2018 lên 430 triệu USD vào năm 2022.

Có thể dễ dàng nhận thấy cán cân thương mại, chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và nhập khẩu, của sản phẩm đồ uống có cồn, ghi nhận mức thâm hụt 1,2 tỷ USD vào năm 2022, tương đương mức tăng khoảng 200% trong 4 năm từ mức thâm hụt 630 triệu USD vào năm 2018.
 
Mặc dù Soju vẫn duy trì vị trí là một trong những đồ uống có cồn tiêu biểu của Hàn Quốc nhưng lại không được người nước ngoài ưa chuộng vì loại rượu này được làm bằng cách pha loãng rượu nền với nước, có mùi và vị tương tự như dung dịch khử trùng gốc ethanol được sử dụng tại các bệnh viện. Các đồ uống truyền thống khác của Hàn Quốc bao gồm Makgeolli, một loại rượu gạo sủi bọt của Hàn Quốc, được làm bằng cách lên men trái cây, ngũ cốc và các loại rau khác, khiến chúng có thời hạn sử dụng rất ngắn. Một số Makgeolli được xuất khẩu sau khi trải qua quá trình thanh trùng. 

Bên cạnh đó, giá thành của các đồ uống có cồn cũng cao hơn áp đảo so với giá thành của đồ uống có cồn xuất xứ Hàn Quốc được xuất ra nước ngoài. Cụ thể, năm 2022 giá trung bình mỗi tấn rượu nhập khẩu là 1.989 USD, cao hơn 80% so với giá trung bình xuất khẩu (1.104 USD).

Trong khi giá rượu ở nước ngoài tăng 60% từ mức 1.246 USD vào năm 2018 thì giá rượu xuất khẩu trong nước chỉ tăng 23% từ mức 895 USD.

Nghị sĩ Yoon cho biết: "Chúng ta cần xem xét đa dạng và tích cực hơn về các cách khắc phục tình trạng mất cân bằng thương mại ngày càng trầm trọng và tăng cường khả năng cạnh tranh chủ đạo trong nước. Gạo, nguyên liệu chính để tạo nên đồ uống có cồn sản xuất trong nước, đang trong tình trạng dư cung, theo đó chúng ta cần các biện pháp mạnh mẽ để khắc phục sự mất cân bằng giữa thương mại và sản xuất gạo".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기