Kinh tế Chính trị

Kế hoạch "Mở rộng Seoul" được thúc đẩy trở lại sau 60 năm…Liệu có khả thi?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:15 03-11-2023
Trong bối cảnh Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP, Đảng cầm quyền) đẩy nhanh kế hoạch 'Mega City Seoul' với mục tiêu sáp nhập hai khu vực lân cận gồm Thành phố Gimpo và tỉnh Gyeonggi vào thủ đô Seoul, sự chú ý hiện nay đang tập trung vào việc liệu Seoul có thể lần đầu tiên mở rộng chu vi bên ngoài của mình trên quy mô lớn sau 60 năm kể từ năm 1963 hay không.

 
Oh Se-hoon Thị trưởng thành phố Seoul ẢnhYonhap News
Oh Se-hoon, Thị trưởng thành phố Seoul. [Ảnh=Yonhap News]

Trong khi Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon dự kiến ​​gặp Thị trưởng Gimpo Kim Byeong-soo vào ngày 6/11 để thảo luận về đề xuất sáp nhập Seoul, một số người trong giới chính trị đang dự đoán rằng Gimpo, cũng như các thành phố lân cận khác bao gồm Guri, Gwangmyeong, Hanam, Gwacheon, Seongnam và Goyang, có thể được đưa vào danh sách sáp nhập để biến Seoul trở thành một siêu đô thị.

Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn trước khi kế hoạch này trở thành hiện thực, đồng thời cũng có phân tích cho rằng lợi ích của người dân ở mỗi khu vực rất khác nhau nên có thể sẽ trở thành vấn đề được đưa ra "mổ xẻ" trong khoảng thời gian trước khi bỏ phiếu của cuộc bầu cử Quốc hội vào năm sau của Hàn Quốc.
 
◇ Seoul đã được mở rộng quy mô lớn vào năm 1963…Tiếp tục mở rộng hơn nữa sau 60 năm?
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến kế hoạch sáp nhập Thành phố Gimpo vào Seoul tại buổi thuyết trình về kế hoạch ngân sách năm tới được tổ chức tại Tòa thị chính vào ngày 1/11, Thị trưởng Oh Se-hoon đã đề cập đến hiện tượng "chùm đô thị (conurbation)" và "cách tiếp cận thận trọng" ở mức độ cơ bản.

Chùm đô thị là một tập hợp các đô thị cạnh nhau, ảnh hưởng lẫn nhau bởi quá trình đô thị hóa và trở nên gần nhau không chỉ ở khoảng cách địa lý mà còn vì sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các đô thị này với nhau.

Thị trưởng Oh cho biết: "Khi nền kinh tế phát triển và các chức năng đô thị trở nên phức tạp hơn, hiện tượng chùm đô thị là một sự thay đổi tự nhiên. Việc kết hợp chùm đô thị thông qua cải cách hệ thống hành chính là rất quan trọng".

Tuy nhiên, Thị trưởng Oh cho biết, “Đây là thời điểm có thể xảy ra nhiều tranh cãi. Tôi cũng ý thức rõ rằng đang có nhiều lo ngại về vấn đề này. Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp cận vấn đề này một cách thận trọng hơn."

Seoul hiện là thủ đô của Hàn Quốc, bao gồm 25 quận tự trị và 426 tiểu khu hành chính, là thành phố lớn với dân số gần 10 triệu người.

Lần gần nhất Seoul được mở rộng quy mô lớn là vào năm 1963.

Với việc hợp nhất 84 làng (리) ở 5 quận (gun·군) lân cận, diện tích Seoul đã tăng lên khoảng 2,3 lần so với trước. Đó cũng chính là thời điểm khu vực Gangnam ngày nay đã trở thành một phần của Seoul.

Thời điểm đó, các khu vực được sáp nhập vào Seoul bao gồm Gwangju-gun Jungdae-myeon (면: xã) (Songpa, Iri, Bangi, Ogeum, Macheon, Geoyeo, Jangji, Munjeong, Garak, Seokchon) và Daewang-myeon (Ilwon, Suseo, Jagok, Yulhyeon, Segok-ri).

Gimpo-gun Yangdong-myeon (Gayang, Magok, Deungchon, Yeomchang, Sinjeong, Mokdong, Hwagok, Sindang-ri) và Yangseo-myeon (Naebalsan, Oebalsans, Songjeong, Gwahae, Banghwa, Gaehwa-ri) cũng được sáp nhập vào Seoul trong cùng khoảng thời gian này.

Sau đó, Seoul cũng đã có những một vài lần mở rộng nhưng với quy mô nhỏ vào năm 1973 và 1995, với một số khu vực của tỉnh Gyeonggi được sáp nhập vào Seoul.

Nếu Thành phố Gimpo được sáp nhập vào Seoul lần này, đây sẽ là sự thay đổi địa giới hành chính lớn đầu tiên của Seoul sau khoảng 60 năm.

Đây không phải là lần đầu tiên nảy sinh giả thuyết sáp nhập một số vùng của tỉnh Gyeonggi vào Seoul.

Ở cấp thành phố, cũng có nhiều giả thuyết đồn đoán thành phố Gwangmyeong, thành phố Gwacheon, thành phố Guri cũng có thể được sáp nhập vào Seoul.

Năm 2018, Thống đốc tỉnh Gyeonggi Nam Kyung-pil đã đề xuất ý tưởng kết hợp Seoul và tỉnh Gyeonggi để tạo thành một 'Vùng đô thị Seoul'.
 
◇ Vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết để hiện thực hóa được dự án
Tuy nhiên, để thực sự tổ chức lại các quận hành chính còn nhiều trở ngại cần vượt qua.

Để sáp nhập Gimpo vào Seoul, phải lắng nghe ý kiến ​​của các hội đồng địa phương ở tỉnh Gyeonggi, thành phố Gimpo và Seoul hoặc phải tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Mặc dù vậy, ngay cả khi các hội đồng cơ bản và đô thị phản đối, các đề xuất vẫn có thể được gửi tới Bộ Hành chính và An ninh.

Sau khi trải qua quá trình này, các luật liên quan cũng cần phải được ban hành.

Một ví dụ trước đó là quận Gunwi (tỉnh Gyeongbuk) khi sáp nhập vào thành phố Daegu, quá trình này đã mất tới 3 năm.

Trên thực tế, quận Gunwi đã được sáp nhập vào Daegu sau khi trải qua quá trình gian khổ trong việc thiết lập kế hoạch cơ bản → lắng nghe ý kiến ​​của hội đồng cơ bản → lắng nghe ý kiến ​​của hội đồng đô thị → đề xuất và xem xét từ Bộ Hành chính và An ninh → soạn thảo dự luật → thảo luận tại Nội các → thảo luận tại Quốc hội.

Theo đó, Đảng Quyền lực Nhân dân đang đẩy nhanh các biện pháp tiếp theo, chẳng hạn như quyết định đề xuất luật đặc biệt cho việc sáp nhập Thành phố Gimpo vào Seoul trong tuần này.

Trước đây, Đảng Quyền lực Nhân dân đã quyết định thúc đẩy việc sáp nhập Gimpo vào Seoul thông qua luật lập pháp của nghị viện thay vì lập pháp của chính phủ. Lý do có thể là vì lập pháp của nghị viện dễ dàng được thúc đẩy một cách nhanh chóng hơn.

Sở dĩ người ta nói đến luật đặc biệt chứ không phải luật chung là vì người ta đánh giá rằng không cần thiết phải sửa đổi từng dự luật liên quan khác vì luật đặc biệt vốn đã được xây dựng dựa trên luật chung.

Tuy nhiên, việc thông qua một đạo luật đặc biệt hiện nay không hề dễ dàng.

Với các cuộc thảo luận xã hội ở giai đoạn đầu và sự hỗ trợ rộng rãi từ chính quyền địa phương liên quan vẫn còn thiếu, Đảng Dân chủ Hàn Quốc, đảng chiếm đa số trong Quốc hội, đang có quan điểm tiêu cực về kế hoạch mở rộng thành phố Seoul.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기