Kinh tế Chính trị

Thị phần xuất khẩu 6 ngành công nghệ mũi nhọn hàng đầu của Hàn Quốc giảm 25,5% sau 4 năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:15 22-01-2024
Một báo cáo gần đây cho thấy thị phần xuất khẩu của sáu ngành công nghệ mũi nhọn hàng đầu của Hàn Quốc, chẳng hạn như chất bán dẫn, đã giảm khoảng 25% trong 4 năm.
 
Thị phần xuất khẩu của 6 ngành công nghệ mũi nhọn từ năm 20182022 ẢnhKEF
Thị phần xuất khẩu của 6 ngành công nghệ mũi nhọn từ năm 2018~2022. [Ảnh=KEF]
Theo báo cáo 'Phân tích thị phần xuất khẩu của 6 ngành công nghệ mũi nhọn chiến lược' do Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc (KEF) công bố vào ngày 21, thị phần xuất khẩu của 6 ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc đã giảm từ mốc 8,4% năm 2018 xuống còn 6,5% vào năm 2022.

Sáu ngành công nghiệp chiến lược mũi nhọn của Hàn Quốc bao gồm ▲ chất bán dẫn ▲ màn hình ▲ pin thứ cấp ▲ ô tô tương lai ▲ sinh học ▲ robot đã được đề cập trong 'Chiến lược phát triển ngành công nghệ mũi nhọn quốc gia' do chính phủ Hàn Quốc công bố vào tháng 3/2023.

Thị phần xuất khẩu là tỷ lệ xuất khẩu của một quốc gia trong xuất khẩu thế giới và được sử dụng như một chỉ số để đo lường khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Theo KEF, xuất khẩu từ 6 ngành mũi nhọn của Hàn Quốc đạt tổng trị giá 186 tỷ USD vào năm 2022, giảm 1,2% so với 188,4 tỷ USD vào năm 2018.

Tỷ trọng xuất khẩu từ 6 ngành này trong tổng xuất khẩu công nghiệp của Hàn Quốc cũng giảm từ 31,1% xuống 27,2% trong cùng kỳ.

Trong đó, thị phần xuất khẩu giảm 25,5%, mức giảm lớn hơn so với các đối thủ Trung Quốc (-2,7%) và Mỹ (-1,3%). Ngược lại thị phần xuất khẩu của Đài Loan (31,8%) và Đức (4,6%) đã tăng lên.

Theo đó, trong bảng xếp hạng thị phần xuất khẩu của 6 ngành mũ nhọn năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 5 sau Trung Quốc (14,1%), Đức (8,3%), Đài Loan (8,1%) và Mỹ (7,6%). Vị trí này của Hàn Quốc đã giảm 3 bậc so với năm 2018 (xếp thứ hai sau Trung Quốc).

KEF giải thích, tổng xuất khẩu của 6 ngành mũi nhọn của thế giới năm 2022 tăng 24,2% so với năm 2018, nhưng xuất khẩu của 6 ngành này của Hàn Quốc lại giảm 1,2% dẫn đến sụt giảm thị phần xuất khẩu.

Thị phần xuất khẩu chất bán dẫn, vốn là ngành có khối lượng xuất khẩu lớn nhất trong 6 ngành mũi nhọn, đã giảm 32,5% từ 13,0% xuống 9,4% trong cùng kỳ. Đứng thứ ba sau Trung Quốc (15,7%) và Đài Loan (15,4%).

Lý giải cho thực tế này, KEF phân tích rằng mặc dù xuất khẩu chất bán dẫn toàn cầu tăng 31,8% trong cùng thời kỳ nhưng xuất khẩu chất bán dẫn của Hàn Quốc lại giảm (129,3 tỷ USD → 128,5 tỷ USD) do đó dẫn đến sự sụt giảm thị phần xuất khẩu.

Mặt khác, thị phần xuất khẩu màn hình tăng từ 9,9% lên 10,3%.

Ha Sang-woo, Trưởng phòng Nghiên cứu KEF cho biết: "Khi cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt, thị phần xuất khẩu của các ngành công nghệ mũi nhọn của Hàn Quốc, bao gồm cả chất bán dẫn, đang cho thấy sự suy yếu. Các biện pháp hướng tới tương lai phải được thực hiện nhiều hơn để nâng cao tiềm năng tăng trưởng của đất nước".
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기