Đời sống Xã hội

Các cặp đôi sắp kết hôn tại Hàn Quốc "than trời" vì quá nhiều loại chi phí phát sinh khi tổ chức đám cưới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:28 05-02-2024
Một trong những lý do khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc không còn quá thiết tha với việc kết hôn chắc chắn liên quan đến vấn đề kinh tế. Trên thực tế, ngay cả khi chưa về chung một nhà thì những khoản chi phí phải chuẩn bị cho đám cưới cũng khiến nhiều cặp đôi phải "đau đầu".
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Cô dâu tương lai Song (32 tuổi) người sắp kết hôn trong năm nay cho biết "Tôi đã dự trù sẵn 1 khoản tiền khoảng 30 triệu won (khoảng 550 triệu VNĐ) cho việc thuê sảnh cưới, chụp ảnh tại studio, trang phục, trang điểm và tuần trăng mật nhưng tôi thấy chỉ tính riêng các chi phí bổ sung (phát sinh thêm) đã hơn 7 triệu won (khoảng 128 triệu VNĐ) rồi. Những chi phí phát sinh ngoài dự kiến khiến ngân sách chuẩn bị cho đám cưới đã vượt xa dự kiến ​​ban đầu của chúng tôi".

Theo thông tin từ ngành công nghiệp liên quan vào ngày 5, khi các cặp đôi sắp cưới ghé thăm một cửa hàng quần áo và thử một chiếc váy cưới, họ phải trả 'phí thử đồ' từ 50.000 (váy cưới trong nước) đến 100.000 won (váy cưới nhập khẩu) cho mỗi cửa hàng. Đặc biệt, với những chiếc váy mới ra mắt, chưa có ai thử trước đó thì khách hàng sẽ phải trả thêm phí 'mặc lần đầu (first wear)'. Tuy giá thuê váy sẽ khác nhau nhưng những chi phí phát sinh thêm tại khâu này đã có thể rơi vào khoảng 1~3 triệu won (khoảng 18,2 triệu~55 triệu VNĐ).

Không chỉ có vậy, với khâu trang điểm, nếu khách hàng muốn được trang điểm trước 9 giờ sáng sẽ phải trả thêm phí 'bắt đầu sớm (early start)' khoảng 100.000 won còn nếu muốn trang điểm sau 5 giờ chiều, thì sẽ phát sinh thêm phí 'trang điểm muộn (late out)'.

Vấn đề là các khoản phí bổ sung khác nhau tùy theo từng cửa hàng và không được thông báo trước nên các khách hàng gần như không thể ước tính được chính xác chi phí.

Các phòng cưới và studio chụp ảnh đôi khi niêm yết giá nhưng các cửa hàng cho thuê váy áo cưới thậm chí còn không có bảng giá. 

Việc boa cho nhân viên giúp đỡ (helper), những người giúp cô dâu nâng tà váy hoặc sửa đồ cho cô dâu trong các buổi chụp hình ở studio hoặc lễ cưới cũng đã trở thành thông lệ.

Một cô dâu tương lai cho biết do hôm chụp ảnh ở studio thì trời mưa nên nhân viên giúp đỡ đã yêu cầu thêm chi phí giao thông vì thế cô dâu này đã phải trả thêm 50.000 won (khoảng 910.000 VNĐ) tiền mặt.

Bên cạnh đó, nếu khách hàng muốn thay đổi kiểu tóc của mình trong khi chụp ảnh ở studio thì cũng sẽ phải đăng ký 'chuyển đổi kiểu tóc' và trả thêm khoản phí khoảng 300.000 won (khoảng 5,5 triệu VNĐ). Đây là chi phí phát sinh khi thợ làm tóc đến studio để thay đổi kiểu tóc cho khách hàng, và trong trường hợp này chi phí đi lại của thợ làm tóc cũng do phía khách hàng chi trả.

Về điều này, người tổ chức tiệc cưới A đưa ra ý kiến: "Việc thử váy cưới không phải là việc dễ dàng và tiệm cũng cần nhân lực và thời gian nên chúng tôi không còn cách nào khác là phải tính thêm các khoản chi phí. Các cửa hàng trang điểm cũng phải trả chi phí nhân công cho những trường hợp bất khả kháng như phải đi làm sớm hoặc về muộn".

Các cặp đôi tương lai cho biết họ chấp nhận những chi phí phát sinh này vì muốn chuẩn bị tốt nhất cho đám cưới 'chỉ có một lần trong đời' hoặc vì họ không muốn tạo ra bầu không khí ngại ngùng trong ngày trọng đại.

Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết, "Giống như các câu lạc bộ sức khỏe và thẩm mỹ viện sử dụng ‘hệ thống hiển thị giá’, ngành tổ chức tiệc cưới cũng nên tiết lộ liệu họ có tính thêm phí hay không và họ sẽ tính bao nhiêu. Trong tình hình tỷ lệ kết hôn và sinh con ngày càng giảm, nếu chi phí cho hôn nhân tăng lên như thế này thì chỉ khiến các cặp đôi ngại kết hôn hơn".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기