Kinh tế Chính trị

[Bầu cử quốc hội Hàn Quốc lần thứ 22] 30 triệu phiếu bầu vào ngày 10/4 sẽ quyết định tương lai của Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:53 11-04-2024
Chỉ còn chưa đầy một ngày nữa là đến ngày 10/4 - ngày cuộc tổng tuyển cử lần thứ 22 của Hàn Quốc diễn ra, quyết định bối cảnh lập pháp của quốc gia này trong 4 năm tới. Với tư cách là cơ quan lập pháp cao nhất, 300 đại biểu Quốc hội được bầu lần này có vai trò quan trọng và quyền hạn mạnh mẽ trong việc quyết định mọi dự luật và kế hoạch ngân sách quốc gia ở Hàn Quốc, hợp tác và kiểm soát ngành hành pháp cũng như đề ra chương trình nghị sự trong tương lai.

Trong tổng số 44,28 triệu cử tri, ngoại trừ những người đã bỏ phiếu trước, công dân cư trú ở nước ngoài hoặc những ngư dân ngoài biển đã bỏ phiếu trên tàu/thuyền thì vẫn còn 30,34 triệu người chưa bỏ phiếu.

 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Cuộc bầu cử này có thể coi là "đánh giá giữa kỳ" về gần 2 năm cầm quyền của chính phủ Yoon Suk-yeol, cũng như sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu quyền lực của Quốc hội trong 4 năm tới. Việc liệu đây sẽ trở thành đòn bẩy động lực hay hạn chế đối với chính phủ hiện tại trong việc thúc đẩy các vấn đề hành chính và các chính sách lớn trong 3 năm tới của Hàn Quốc đã thu hút được sự chú ý rộng rãi của dư luận Hàn Quốc cũng như quốc tế.

Năm 2022, Tổng thống Yoon và Đảng Quyền lực Nhân dân (People Power Party·PPP), những người đã thành công trong việc thay đổi chế độ một cách ngoạn mục lần đầu tiên sau 5 năm với chênh lệch tỷ lệ phiếu bầu là 0,73 điểm phần trăm, đã thúc đẩy động lực của cuộc bầu cử tổng thống và giành được chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử địa phương cùng năm. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi, và tình thế mà đảng cầm quyền phải đối mặt trong cuộc bầu cử quốc hội lần này không còn như xưa nữa.

Theo kết quả thăm dò do Gallup Korea công bố, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Yoon vẫn duy trì ở mức 30%. Trong kết quả khảo sát mới nhất công bố vào ngày 29/3, tỷ lệ những người ủng hộ đảng cầm quyền (40%) vẫn thấp hơn tỷ lệ ủng hộ của đảng đối lập (49%).

Nếu chỉ nhìn vào những con số này, có thể dễ dàng dự đoán được ưu thế của các đảng đối lập, trong đó có Đảng Dân chủ (Democratic Party·DP), đảng đối lập chính và Đảng Tái thiết Hàn Quốc (Rebuilding Korea Party·RKP) mới thành lập trong cuộc tổng tuyển cử này. Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến ​​phản bác cho rằng khi ngày bỏ phiếu đến gần, tâm lý dư luận thường có nhiều dao động nên khó có thể dự đoán được kết quả cuối cùng. 

Trên thực tế, kể từ cuối năm ngoái, khi đảng cầm quyền và phe đối lập bước vào 'chế độ tổng tuyển cử' một cách nghiêm túc, tình hình của các đảng đã đối mặt với nhiều biến động bất ngờ.

Sau khi tranh cãi về việc phu nhân Tổng thống Yun Suk-yeol, bà Kim Keon-hee "nhận túi hàng hiệu" leo thang, đảng và chính phủ rơi vào tình trạng đối đầu giữa "phe ủng hộ" ông Lee Jae-myung và "phe không ủng hộ".

Bên cạnh đó, cả đảng cầm quyền và phe đối lập đều đang đối mặt với những rủi ro phức tạp như vụ việc Lee Jong-seop Đại sứ Hàn Quốc tại Úc và Hwang Sang-moo Thư ký cấp cao trong Văn phòng Tổng thống từ chức; tranh cãi về nhận xét của Tổng thống Yoon về "giá hành lá"; tranh cãi về hành vi không phù hợp và ngôn từ lăng mạ của các ứng cử viên đối lập như Yang Moon-seok, Kim Jun-hyuk và Park Eun-jung; cuộc xung đột chưa tìm thấy tiếng nói chung giữa chính phủ và giới y tế về việc tăng số lượng bác sĩ.

Tất cả những sự việc này khiến định hướng bầu cử lần này tại Hàn Quốc trở nên ngày càng khó đoán.

Cả chính phủ và phe đối lập đều coi 50 ghế tại các khu vực trung lập, ít có sự khác biệt trong tỷ lệ của các đảng, sẽ là chìa khóa quyết định thắng thua, giành thêm một ghế đồng nghĩa với khả năng chiến thắng sẽ tăng lên.

Trong thời gian vận động, Chủ tịch Ủy ban Ứng phó Khẩn cấp của Đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hoon và Lee Jae-myeong Đại diện Đảng Dân chủ đều "bỏ qua" các khu vực sân nhà như Honam, Daegu·Gyeongbuk và tập trung vào việc vận động bỏ phiếu ở những khu vực trung lập, chưa ngã ngũ sẽ nghiêng về đảng nào.

Trong bối cảnh bầu cử cạnh tranh vô cùng gay gắt, nếu đảng cầm quyền giành chiến thắng, điều đó có nghĩa là Đảng Quyền lực Nhân dân sẽ đạt được sự thay đổi quyền lực đầu tiên trong Quốc hội sau 8 năm. Nhìn từ quan điểm của Tổng thống Yoon và Đảng Quyền lực Nhân dân, đây sẽ được coi là dấu mốc hoàn thành của một "sự thay đổi chế độ thực sự".

Tuy nhiên, trong trường hợp ngược lại, tức là nếu đảng đối lập giành được nhiều ghế hơn thì 'lý thuyết phán xét chế độ' sẽ càng được thúc đẩy đồng thời làm giảm ảnh hưởng của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol. Theo đó, dự kiến sẽ không thể tránh khỏi những thay đổi lớn trong nền tảng nhà nước của chính phủ.

Đặc biệt, nếu các đảng đối lập như Đảng Dân chủ và Đảng Tái thiết Hàn Quốc giành được đa số áp đảo gần 200 ghế, không thể loại trừ khả năng luận tội tổng thống và sửa đổi hiến pháp, vốn đã được thảo luận công khai trong phe đối lập, sẽ được tiến hành. 

Kết quả của cuộc tổng tuyển cử lần này không chỉ trực tiếp quyết định vận mệnh tương lai của Hàn Quốc mà còn tác động đáng kể đến nhiều chính sách kinh tế như chính sách đối với Triều Tiên, quan hệ Hàn Quốc-Mỹ-Nhật Bản và các quy định pháp lý khác nhau.

Hiện chính sách của chính phủ Yoon Suk-yeol là đảm bảo các động lực tăng trưởng trong tương lai dựa trên sức sống của doanh nghiệp và cải cách quy định theo nguyên tắc cắt giảm thuế và tài chính lành mạnh. Ngược lại, đảng đối lập lại nhấn mạnh về việc phân bổ các khoản trợ cấp khác nhau để kích thích nhu cầu trong nước và thậm chí điều tiết lương cho các tập đoàn lớn.

Dựa trên khuôn khổ liên minh Hàn-Mỹ, chính sách đáp trả cứng rắn với các hành động khiêu khích hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng có thể sẽ phải điều chỉnh tùy thuộc theo kết quả bầu cử. Điều này sẽ dẫn đến những thay đổi liên tiếp trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thêm vào đó, hướng đi của cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc, diễn ra sau 3 năm nữa, cũng sẽ bị ảnh hưởng vào kết quả của cuộc bầu cử quốc hội lần này. Ngoài các ứng cử viên nặng ký cho chức tổng thống tiếp theo hiện nay như Lee Jae-myung và Han Dong-hoon còn có rất nhiều những gương mặt "đáng gờm" khác từ cả Đảng cầm quyền như Ahn Cheol-soo, Won Hee-ryong, Na Kyung-won, Yoo Seung- min hay Đảng đối lập như Cho Kuk, Lee Nak-yeon, Lim Jong-seok, Kim Boo-gyeom cũng sẽ sẵn sàng tận dụng kết quả của cuộc bầu cử này để tạo đà cho cuộc vận động tranh cử tổng thống trong tương lai.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기