Kinh tế Chính trị

Trident Global Holdings ký hợp tác chiến lược toàn diện về lĩnh vực đất hiếm với công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải (Việt Nam)

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:37 22-05-2024
Ngày 17, công ty sở hữu công nghệ khai thác mỏ, bất động sản và thu hồi carbon của Hàn Quốc Trident Global Holdings thông báo về việc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải của Việt Nam về đầu tư vào các mỏ đất hiếm.
 
Trần Đình Hải trái Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải Việt Nam và Chủ tịch Yoon Jong-hyuk của Trident Global Holdings bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác ẢnhTrident Global Holdings
Trần Đình Hải (trái) Chủ tịch Công ty TNHH Xây dựng Hưng Hải Việt Nam và Chủ tịch Yoon Jong-hyuk của Trident Global Holdings bắt tay sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác. [Ảnh=Trident Global Holdings]
Công ty Xây dựng Hưng Hải (một doanh nghiệp liên quan đến Hưng Hải Group) là đơn vị sở hữu và quản lý 3 mỏ đất hiếm và giấy phép thăm dò khoáng sản tại tỉnh Lai Châu, miền Bắc Việt Nam. Công ty sở hữu 100% cổ phần mỏ Bắc Nậm Xe và Nam Nậm Xe. Ngoài ra, Xây dựng Hưng Hải còn được cho là đang sở hữu 20% cổ phần tại Công ty Cổ phần Đất hiếm Lai Châu Vimico (Lavreco), đơn vị được giao quản lý toàn bộ vùng mỏ đất hiếm Đông Pao (xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu).

Trữ lượng được xác nhận của các mỏ Bắc và Nam Nậm Xe do Trident Global Holdings và Xây dựng Hưng Hải cùng khai thác, lên tới vài triệu tấn. Mỏ đất hiếm Đông Pao có diện tích gần 133ha, với tổng trữ lượng địa chất quy mô hơn 11,3 triệu tấn, được cho là lớn nhất Việt Nam.

One & Partners, công ty luật giám sát hợp đồng này, cho biết: "Đây là hợp đồng đầu tiên trong đó một công ty Hàn Quốc đầu tư trực tiếp vào một công ty có quyền sở hữu và phát triển mỏ đất hiếm ở nước ngoài. Đây là hợp đồng làm việc tiếp nối theo sau Biên bản thỏa thuận (MOA) được cả hai công ty ký vào đầu năm nay".

Theo hợp đồng, Trident Global Holdings sẽ tiến hành kinh doanh phát triển, khai thác và tinh chế mỏ đất hiếm tại địa phương. Ngoài ra, công ty cũng sẽ cung cấp nhân lực, vốn, công nghệ và thiết bị liên quan.

Hai công ty có kế hoạch tạo ra giá trị gia tăng cao bằng cách vượt ra ngoài việc khai thác các nguyên tố đất hiếm được chôn trong mỏ và xử lý chúng thành các nguyên tố đất hiếm tinh chế như kim loại, hợp kim và nam châm sau quá trình tinh chế và nấu chảy, tạo thành một chuỗi giá trị tổng thể bao gồm cả việc phân phối sản phẩm cuối cùng.

Hai công ty kỳ vọng có thể thay đổi xu hướng của thị trường toàn cầu bằng cách thiết lập hệ thống sản xuất chất lượng cao, chi phí thấp bằng cách quản lý và vận hành thống nhất và ổn định toàn bộ quy trình từ khai thác đất hiếm đến sản xuất các vật liệu cốt lõi liên quan.

Nhu cầu về các nguyên tố đất hiếm đang tăng lên đáng kể vì chúng được sử dụng làm vật liệu cốt lõi trong các ngành công nghiệp điện tử, y tế và hóa chất, bao gồm xe điện, pin, màn hình LCD, chất bán dẫn, MRI và chất xúc tác phản ứng. Trong trữ lượng đất hiếm của thế giới khoảng 130 triệu tấn, Việt Nam hiện sở hữu khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn).

Jeong Byeong-won, luật sư đại diện của One & Partners, cho biết: "Trident đã chọn One & Partners làm cố vấn độc quyền và đang theo đuổi kế hoạch hợp tác xây dựng nhà máy luyện kim với các công ty đất hiếm toàn cầu, các công ty có nhu cầu đất hiếm và các nhà đầu tư chiến lược. Chúng tôi dự định bắt đầu khai thác vào cuối năm nay".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기