Kinh tế Chính trị

Quy mô thị trường bán lẻ của Hàn Quốc tăng hơn 30% trong 10 năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:12 11-09-2024
Mua sắm trực tuyến và mua sắm tại nhà qua TV tăng gấp 10 lần so với các siêu thị lớn
Trong 10 năm qua, quy mô thị trường bán lẻ tại Hàn Quốc đã tăng hơn 30%, trong đó, tốc độ tăng trưởng của mua sắm trực tuyến và mua sắm tại nhà (home shopping) qua TV được cho là đã tăng gấp 10 lần so với các siêu thị lớn.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) ngày 11, qua kết quả xem xét những thay đổi của thị trường bán lẻ từ năm 2014 đến năm 2023 dựa trên dữ liệu doanh số bán lẻ từ Cục Thống kê Hàn Quốc, quy mô thị trường bán lẻ của Hàn Quốc năm 2023 là 509,5 nghìn tỷ won, tăng 33,3% so với năm 2014 (382,3 nghìn tỷ won).

Ngoại trừ sự phục hồi tạm thời vào năm 2021 do hiệu ứng cơ sở (base effect) của COVID-19, tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ duy trì ở mức khoảng 2~4% mỗi năm.

Trong khi bán lẻ không qua cửa hàng (12,6%) chẳng hạn như mua sắm trực tuyến và mua sắm tại nhà qua TV và cửa hàng tiện lợi (10,4%) dẫn đầu mức tăng trưởng của thị trường, thì siêu thị (1,5%), đại siêu thị (1,2%) và các nhà bán lẻ đặc sản (-0,4%) đều gặp khó khăn, với mức tăng trưởng tụt xuống dưới mức tăng trung bình (3,2%).

Nhìn vào thị phần theo loại hình kinh doanh, thị phần bán lẻ không qua cửa hàng đã tăng hơn gấp đôi từ 11,8% năm 2014 lên 25,7% vào năm 2023 và thị phần của cửa hàng tiện lợi (3,3% → 6,1%) và cửa hàng miễn thuế (2,2% → 2,7%) cũng tăng so với 10 năm trước.

Ngược lại, thị phần của các nhà bán lẻ đặc sản (50,8% → 36,9%), đại siêu thị (8,7% → 7,2%), siêu thị và cửa hàng tạp hóa (15,6% → 13,4%) lại giảm.

Năm ngoái, tỷ trọng giao dịch mua sắm trực tuyến trong doanh số bán lẻ (không bao gồm giao dịch dịch vụ) là 31,9%, tăng 84,8% so với năm 2017 (17,3%).

Theo mặt hàng, đồ nội thất có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất (34,2%), tiếp theo là máy tính, đồ gia dụng, điện tử và thiết bị truyền thông (33,0%), sách và văn phòng phẩm (31,5%), giày dép và túi xách (30,6%), mỹ phẩm (25,3%), quần áo (23,8%).

Thị phần trực tuyến của thực phẩm và đồ uống tăng đáng kể từ 7,1% năm 2017 lên 18,5% vào năm 2023.

Seo Jung-yeon, một nhà nghiên cứu tại Shinyoung Securities, cho biết: "Khi việc tiêu dùng trực tiếp bị hạn chế do Covid-19 và niềm tin vào sản phẩm thực phẩm trực tuyến được cải thiện, ‘dịch vụ giao hàng buổi sáng sớm’ tiện lợi đã nhanh chóng lan rộng. Do thị phần trực tuyến của các sản phẩm thực phẩm và đồ uống thấp so với các sản phẩm khác nên có nhiều dư địa để tăng trưởng thêm".

Nhìn vào chỉ số bán hàng theo loại hình ngành bán lẻ, đại siêu thị (-13,5) và siêu thị (-13,7) trong thực tế đang cho thấy mức tăng trưởng âm.

Seo Yong-gu, giáo sư tại Đại học Nữ Sookmyung, cho biết: "Điều cấp thiết là phải phát triển các chính sách nhằm ngăn chặn sự suy thoái của các khu thương mại địa phương và hoạt động kinh doanh ngoại tuyến, cũng như nới lỏng các quy định đối với các siêu thị lớn để hồi sinh các khu thương mại ngoại tuyến".

Ông Jang Geun-tae, Giám đốc Cơ quan Xúc tiến Phân phối & Hậu cần của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Chúng tôi hy vọng chính phủ sẽ thiết lập một kế hoạch hỗ trợ có thể đảm bảo tăng trưởng bền vững trong 10 năm tới trong kế hoạch phát triển ngành phân phối sẽ được công bố vào nửa cuối năm nay".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기