Đời sống Xã hội

Bất mãn của người dùng Hàn Quốc với nhiều ứng dụng OTT nước ngoài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:49 08-10-2024
Không hoàn tiền khi hủy sớm·Ít lựa chọn trong các gói dịch vụ
Nếu muốn hủy dịch vụ video trực tuyến (OTT) và nhận lại số phí sử dụng còn lại, người dùng Hàn Quốc phải thực hiện các thủ tục riêng như tư vấn qua điện thoại hoặc trò chuyện (chat) trực tiếp với nhân viên.
 
ẢnhInternet
[Ảnh=Internet]
Vào ngày 8, Cơ quan Người tiêu dùng Hàn Quốc và văn phòng nghị sĩ Min Byeong-deok của Đảng Dân chủ Hàn Quốc đã công bố kết quả khảo sát từ cuối tháng 2~6/2024 về các điều kiện dịch vụ, bao gồm các điều khoản và điều kiện của 6 nhà cung cấp OTT gồm YouTube, Netflix, TVING, Coupang Play, Wavve và Disney Plus.

Theo Cơ quan Người tiêu dùng và Văn phòng nghị sĩ Min, các công ty OTT cho phép hủy trực tuyến nhưng không thông báo chính xác cho người tiêu dùng rằng có thể hủy ngay lập tức và hoàn trả số phí sử dụng còn lại.

Khi người dùng nộp đơn xin hủy trực tuyến, các doanh nghiệp này sẽ duy trì dịch vụ cho đến ngày thanh toán tiếp theo rồi mới chấm dứt cung cấp dịch vụ mà không hoàn lại tiền.

Nếu người dùng muốn được hoàn lại số phí sử dụng còn lại thì cần phải thực hiện một thủ tục riêng, chẳng hạn như tư vấn qua điện thoại hoặc trò chuyện.

Theo điều khoản và điều kiện của công ty, Netflix không cung cấp dịch vụ hủy hoặc hoàn tiền sớm sau 7 ngày kể từ ngày thanh toán.

Trước đó, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc đã tiến hành điều tra và khởi xướng các thủ tục xử phạt liên quan đến vấn đề "can thiệp vào việc chấm dứt thuê bao sớm" của các nhà công ty OTT.

Trong trường hợp của Coupang Play, vì đây là dịch vụ được cung cấp cho các thành viên Coupang WoW nên không có đơn đăng ký hoặc hủy riêng, vì vậy công ty dự định bổ sung giải thích về việc hủy sớm theo khuyến nghị của Cơ quan Người tiêu dùng.

Theo phân tích của Cơ quan Người tiêu dùng về 1.166 báo cáo của người dùng liên quan đến OTT nhận được tại Tổng đài Trung tâm Tư vấn Người tiêu dùng 1372 trong ba năm qua (2021~2023), các câu hỏi liên quan đến việc hủy/chấm dứt hợp đồng và hình phạt là phổ biến nhất, chiếm 47,0% (344 trường hợp) trong tổng số.

Ngoài ra, tỷ lệ thanh toán không công bằng hoặc phí đăng ký trùng lặp là 28,9% (211 trường hợp).

Trong các trường hợp tư vấn, có trường hợp chủ tài khoản hiện tại đã thanh toán nhiều khoản phí bằng cách đăng ký sản phẩm gói OTT của nhà mạng di động hoặc bị tính phí và thanh toán ngay cả khi đã chấm dứt hợp đồng.

Về việc đóng phí dịch vụ thừa, có 3 công ty đã không chuẩn bị các điều khoản và điều kiện về phương thức, thủ tục hoàn trả.

Đặc biệt, Cơ quan Người tiêu dùng nhấn mạnh cần phải cải thiện khi một số doanh nghiệp giới hạn phạm vi hoàn tiền đối với những khoản thanh toán vượt mức trong 6 tháng do lịch sử xem trên hệ thống chỉ được xác nhận tối đa 6 tháng.

Có 4 công ty không cung cấp thông tin cụ thể về tiêu chuẩn bồi thường thiệt hại do gián đoạn hoặc lỗi dịch vụ.

Cơ quan Người tiêu dùng đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến nhắm vào 1.200 người dùng OTT từ 19 tuổi trở lên và nhận thấy rằng những người được hỏi đã sử dụng trung bình 2,4 dịch vụ OTT có tính phí và phải trả trung bình 20.348 won (khoảng 375.000 VNĐ) mỗi tháng cho các dịch vụ này.

40,8% (489 người) trả lời rằng họ chia sẻ tài khoản của mình với người khác khi sử dụng OTT. Trong số những người trả lời rằng họ chia sẻ tài khoản của mình, 49,5% (242 người) đã chọn chia sẻ tài khoản đó với "các thành viên sống chung nhà".

Ngoài ra, khi được hỏi về yếu tố quan trọng khi lựa chọn OTT, người được hỏi trả lời theo thứ tự "đa dạng nội dung" và "giá sử dụng".

Tuy nhiên có tới 68,3% (820 người) trả lời rằng phí thuê bao dịch vụ OTT tại Hàn Quốc rất đắt.

Cơ quan Người tiêu dùng cũng chỉ ra rằng mặc dù ở nước ngoài YouTube áp dụng các chương trình giảm giá như tư cách thành viên dành cho sinh viên, nhưng ở Hàn Quốc, YouTube chỉ cung cấp "gói cao cấp". Do đó, Cơ quan Người tiêu dùng cho rằng công ty cần phải mở rộng sự lựa chọn của người tiêu dùng ở Hàn Quốc, chẳng hạn như thông qua việc đưa ra các kế hoạch giảm giá.

Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát này, Cơ quan Người tiêu dùng đã khuyến nghị các nhà khai thác OTT phải ▲ đảm bảo quyền hủy sớm và chuẩn bị đầy đủ các hướng dẫn ▲ đảm bảo hoàn lại số tiền thanh toán vượt mức và thiết lập các điều khoản và điều kiện chi tiết ▲ quy định các tiêu chuẩn bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng ▲ xem xét áp dụng hệ thống giá chiết khấu.

Nghị sĩ Min cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng tạo ra một thị trường nội dung số thân thiện với người tiêu dùng".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기