Kinh tế Chính trị

Số doanh nghiệp đóng cửa trong 9 tháng đầu năm 2024 tại Hàn Quốc cao kỷ lục

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:21 22-10-2024
Hậu quả của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng xuất hiện sau đại dịch và nhu cầu suy giảm đã khiến cho số lượng doanh nghiệp tại Hàn Quốc đóng cửa tính đến tháng 9 năm nay ghi nhận gần 1.450 doanh nghiệp, con số cao kỷ lục kể từ khi số liệu thống kê liên quan bắt đầu được tổng hợp.
 
Một mặt bằng bị bỏ trống tại Seoul ẢnhYonhap News
Một mặt bằng bị bỏ trống tại Seoul. [Ảnh=Yonhap News]
Theo báo cáo thống kê hàng tháng của Tòa án Tối cao Hàn Quốc vào ngày 21, số đơn xin phá sản doanh nghiệp từ tháng 1~9/2024 là 1.444; tăng 231 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái (1.213 trường hợp) và gần gấp đôi so với năm 2022 (738 trường hợp).

Với tốc độ này, tổng số công ty nộp đơn xin phá sản trong năm nay dự kiến ​​sẽ có thể chạm đến mốc 2.000.

Số lượng đơn xin phá sản doanh nghiệp hàng năm là 931 trường hợp vào năm 2019, 1.069 trường hợp vào năm 2020, 955 trường hợp vào năm 2021 và 1.004 trường hợp vào năm 2022, nhưng đã tăng nhanh lên 1.657 trường hợp vào năm 2023. 

Điều này được hiểu là do tác động của ba yếu tố giá cao, lãi suất cao, tỷ giá cao tích lũy từ sau đại dịch và gánh nặng trả lãi. Trong đó, phần lớn doanh nghiệp đóng cửa được xác định là doanh nghiệp vừa và nhỏ và người tự kinh doanh.

Theo Ngân hàng Hàn Quốc (BoK), tính đến cuối tháng 9, các khoản cho vay doanh nghiệp của ngân hàng trong năm nay lên tới 1,316 triệu tỷ won. Dư nợ cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (1,040 triệu tỷ KRW) chiếm tới 80% tổng dư nợ. Tháng 8 vừa qua, tỷ lệ quá hạn đối với các khoản cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ của các ngân hàng tại Hàn Quốc là 0,78%. Điều này trái ngược với thực tế là tỷ lệ quá hạn đối với các khoản vay doanh nghiệp lớn tiếp tục ở mức thấp 0,05%.

Tình hình nghiêm trọng hơn đối với các khoản vay dành cho những người tự kinh doanh. Tỷ lệ quá hạn đối với các khoản cho vay kinh doanh cá nhân trong tháng 8 là 0,70%, cao nhất trong 10 năm kể từ tháng 8/2014 (0,79%).

Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những người tự kinh doanh đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế kéo dài, lãi suất cao và giá cả tăng cao kéo dài từ năm ngoái đến năm nay.

Điều đáng lo ngại là là xu hướng này có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. Các chuyên gia tin rằng hiệu quả của việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Hàn Quốc sẽ phải mất 1 năm mới có tác động.

Giáo sư danh dự Kim Jeong-sik thuộc Khoa Kinh tế Đại học Yonsei cho biết: "Không những lãi suất không giảm đáng kể mà nền kinh tế trong nước cũng chưa hồi phục nên khó có khả năng tình hình sẽ được cải thiện trong tương lai gần. Kinh tế trong nước suy thoái càng kéo dài thì tỷ lệ nợ quá hạn càng cao nên tỷ lệ nợ quá hạn có thể còn tăng cao hơn nữa trong tương lai".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기