Kinh tế Chính trị

Các công ty may mặc Hàn Quốc gặp nhiều khó khăn với mức thuế quan đối ứng mới của Mỹ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:16 08-04-2025
Các nhà sản xuất quần áo và giày dép Hàn Quốc đang cố gắng nỗ lực ngăn chặn hậu quả từ làn sóng thuế quan mới được Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào tuần trước.
 
Công nhân Công ty Hansae đang làm việc tại nhà máy ở huyện Củ Chi TPHCM ẢnhBáo Lao động
Công nhân Công ty Hansae đang làm việc tại nhà máy ở huyện Củ Chi, TPHCM. [Ảnh=Báo Lao động)
Mức thuế quan mới - áp dụng cho các nền kinh tế Đông Nam Á quan trọng đã trở thành vấn đề "đau đầu" đối với ngành sản xuất của Hàn Quốc, bao gồm mức thuế 46% đối với Việt Nam, 37% đối với Bangladesh và 32% đối với Indonesia.

Các quốc gia này là nơi có các hoạt động sản xuất rộng khắp của các công ty may mặc, giày dép của Hàn Quốc như Youngone Trading, Hansae và Hwaseung Enterprise.

Theo dữ liệu từ Daishin Securities, khoảng 70% sản lượng của Youngone Trading được đặt tại Bangladesh. Trong khi đó một nửa hoạt động sản xuất của  Hansae được vận hành tại Việt Nam. Mặt khác, Hwaseung phụ thuộc vào Indonesia và Việt Nam để sản xuất tổng cộng 90% sản lượng của mình.

Mặc dù thuế quan thường được hấp thụ bởi các công ty có thương hiệu - chẳng hạn như Nike, Adidas và Gap - ký hợp đồng với các OEM Hàn Quốc, các nguồn tin trong ngành cho biết các thương hiệu toàn cầu này đang bắt đầu chia sẻ chi phí với các nhà cung cấp của họ, khiến các nhà sản xuất Hàn Quốc phải chịu áp lực tài chính.

Để ứng phó, các công ty Hàn Quốc đang khẩn trương đa dạng hóa cả cơ sở sản xuất và thị trường xuất khẩu.

Hansae, công ty phụ thuộc vào Mỹ để có 90% doanh thu, đang mở rộng hoạt động tại Trung Mỹ, bao gồm Nicaragua và Guatemala, nơi thuế suất vẫn tương đối thấp ở mức khoảng 10%.

Trong khi đó, Youngone Trading và Hwaseung Enterprise đang đẩy mạnh nỗ lực mở rộng sự hiện diện của mình tại Châu Âu, Nhật Bản và các thị trường Châu Á khác, nơi các mối quan hệ khách hàng hiện tại có thể cung cấp một số biện pháp bảo vệ khỏi những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.

Park Young-soo, giám đốc Hiệp hội Công nghiệp Thời trang Hàn Quốc cho biết: "Mặc dù các công ty đang nỗ lực vượt qua cú sốc thuế quan thông qua việc đa dạng hóa cơ sở sản xuất, nhưng đây không phải là vấn đề mà các công ty riêng lẻ có thể tự giải quyết. Chính phủ cần đưa ra các lợi ích về thuế và các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các công ty".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기