Kinh tế Chính trị

Thị trường giao đồ ăn tại Hàn Quốc lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm (↓0,6%)

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:09 13-02-2024
Năm 2023, thị trường giao đồ ăn tại Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận tăng trưởng âm. Doanh số của các ứng dụng giao đồ ăn đã tăng trưởng vô cùng nhanh chóng trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát nhưng kể từ khi dịch bệnh lắng xuống và các hoạt động kinh tế quay trở lại bình thường, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực này đã chậm lại đáng kể.
 
Ảnh chụp tài xế của các hãng giao đồ ăn ở trung tâm thành phố Seoul vào ngày 232021 ẢnhYonhap News
Ảnh chụp tài xế của các hãng giao đồ ăn ở trung tâm thành phố Seoul vào ngày 2/3/2021. [Ảnh=Yonhap News]
Theo Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc vào ngày 13, số tiền giao dịch trực tuyến liên quan đến dịch vụ ăn uống (giao đồ ăn) tại Hàn Quốc trong năm 2023 là 26,4 nghìn tỷ won (khoảng 485,3 nghìn tỷ VNĐ), giảm 0,6% so với năm 2022.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2017, khi số liệu thống kê liên quan đến dịch vụ ăn uống bắt đầu được tổng hợp, quy mô giao dịch của dịch vụ này ghi nhận sụt giảm.

Trước đó, giao dịch trực tuyến về dịch vụ thực phẩm tại Hàn Quốc tăng đều đặn từ 2,7 nghìn tỷ won năm 2017 lên 5,3 nghìn tỷ won vào năm 2018 và 9,7 nghìn tỷ won vào năm 2019.

Sau đó, do ảnh hưởng của Covid-19, các hoạt động ngoài trời, sự kiện tụ tập bị hạn chế và nhiều công ty vận hành chế độ làm việc tại nhà đã giúp cho quy mô giao dịch của việc giao đồ ăn tăng mạnh lên 17,3 nghìn tỷ won vào năm 2020 và sau đó lên 26,2 nghìn tỷ won vào năm 2021.

Theo đó, ba công ty ứng dụng giao hàng lớn nhất tại Hàn Quốc gồm Baedal Minjok do Woowa Brothers điều hành, Yogiyo của Great Imagination và Coupang Eats của Coupang cũng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ.

Lợi nhuận hoạt động (doanh thu) của Woowa Brothers đã tăng khoảng 60 lần từ 49,5 tỷ won năm 2015 lên 2.951,6 tỷ won (khoảng 54,25 nghìn tỷ VNĐ) vào năm 2022, đồng thời lợi nhuận hoạt động từ mức thâm hụt 24,9 tỷ won đã chuyển thành thặng dư 464,3 tỷ won (khoảng 8,53 nghìn tỷ VNĐ).

Tuy nhiên, khi các hoạt động bên ngoài được tiến hành trở lại sau đại dịch, quy mô giao dịch của dịch vụ giao đồ ăn đã có phần chững lại, ghi nhận tăng nhệ lên 26,6 nghìn tỷ won (khoảng 488,97 nghìn tỷ VNĐ) vào năm 2022 và thậm chí chuyển sang sụt giảm vào năm ngoái (2023).

Sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ, nhu cầu đi ăn ngoài đã tăng trở lại khiến cho số lượng các đơn gọi đồ ăn giao về nhà giảm nhẹ.

Bên cạnh đó, phí giao hàng cũng trở thành gánh nặng của người tiêu dùng khi ngày một tăng cao do ảnh hưởng của lạm phát và lãi suất cao kéo dài.

Theo 'Phân tích phí giao hàng tháng 11/2023' của Hội đồng Tổ chức Người tiêu dùng Hàn Quốc, phí giao hàng thấp nhất cho khoảng cách dưới 2km là 3.900 won đối với Coupang Eats, 2.500~3000 won cho Baemin, 2.500~3.300 won cho Yogiyo.

Mặt khác, năm ngoái, tổng khối lượng giao dịch thị trường thực phẩm trực tuyến, bao gồm đồ ăn uống, nông thủy hải sản lên tới 67,1 nghìn tỷ won (khoảng 1 triệu 231,1 nghìn tỷ VNĐ), tăng 7,0% so với năm 2022.

Số tiền giao dịch này tăng nhanh từ 13,2 nghìn tỷ won năm 2017 lên 18,7 nghìn tỷ won năm 2018; 26,9 nghìn tỷ won năm 2019; 42,5 nghìn tỷ won năm 2020 (năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19); 57,4 nghìn tỷ won năm 2021 và 62,7 nghìn tỷ won năm 2022. 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기