Đời sống Xã hội

Hơn 70% thanh thiếu niên Hàn Quốc không đồng ý với quan điểm "Kết hôn là cần thiết"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:55 14-02-2024
Kết quả một cuộc khảo sát cho thấy chỉ có chưa đến 30% thanh thiếu niên Hàn Quốc có quan điểm "phải kết hôn", tỷ lệ này chưa bằng một nửa so với 10 năm trước.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Viện Nghiên cứu Chính sách Thanh thiếu niên Hàn Quốc (NYPI) đã thực hiện một cuộc khảo sát bằng bảng câu hỏi đối với 7.718 học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (3.983 học sinh nam, 3.735 học sinh nữ) trên toàn Hàn Quốc từ tháng 5~7/2023 và công bố kết quả liên quan trong báo cáo "Khảo sát Giá trị Thanh niên 2023" vào ngày 14.

Báo cáo cho thấy chỉ có 29,5% thanh thiếu niên được khảo sát tin rằng "nhất định phải kết hôn" và chỉ 19% đồng tình với quan điểm "phải có con sau khi kết hôn". 

Có thể thấy, với những thay đổi không ngừng của xã hội, nhận thức và suy nghĩ của của giới trẻ đương đại cũng có nhiều sự thay đổi đáng kể.

Năm 2012, 73,2% số người được hỏi tin rằng "cần phải kết hôn", tỷ lệ này đã giảm hơn một nửa sau 11 năm. Trong đó ý kiến của nữ giới (63,1%→18,8%) thay đổi rõ rệt hơn so với nam giới (82,3%→39,5%). Nhóm nghiên cứu giải thích: "Ngày càng có nhiều người trẻ tin rằng hôn nhân không phải là một việc làm cần thiết mà là sự lựa chọn cá nhân".

Được biết, mặc dù chỉ có 19,8% số người được hỏi tin rằng "bạn nên có con sau khi kết hôn", nhưng 60,6% người được phỏng vấn cho rằng "có thể có con mà không cần phải kết hôn". Theo phân tích, hầu hết thanh thiếu niên đều cho rằng hôn nhân không còn là điều kiện cần thiết để sinh con.

Khảo sát cũng cho thấy ý kiến đồng ý với việc "nam, nữ có thể sống chung mà không cần kết hôn" và "có thể kết hôn với người nước ngoài" lần lượt chiếm 81,3% và 91,4% số ý kiến ​​trả lời. Đặc biệt có tới 52,0% thanh thiếu niên đồng ý rằng "nên cho phép hôn nhân đồng giới".

61,4% số người được hỏi cho rằng "người máy hoặc robot thú cưng cũng có thể trở thành thành viên trong gia đình" và 89,4% có phản hồi tích cực về việc "nhận làm con nuôi".

Khi được hỏi điều gì là quan trọng nhất khi chọn bạn đời (được lựa chọn nhiều câu trả lời), 82% số người được hỏi đã chọn "tính cách". Kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2008, "tính cách" luôn là ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn bạn đời.

"Kinh tế" vốn luôn giữ vị trí thứ 2 đã bị đẩy xuống vị trí thứ 3 trong cuộc khảo sát lần này. Thay vào đó, "ngoại hình·sức hấp dẫn" đã leo lên vị trí thứ 2. 

Nhóm nghiên cứu phân tích, những giá trị của giới trẻ đương đại đang dần đa dạng hóa và không còn giới hạn trong những quan niệm truyền thống. Vì vậy, chính sách sinh sản cần được điều chỉnh dựa trên những thay đổi của thời đại để thúc đẩy tốt hơn sự phát triển và tiến bộ xã hội. Đồng thời, người ta cũng tin rằng hơn một nửa số người được hỏi đồng ý với các vấn đề như chung sống ngoài hôn nhân hoặc hôn nhân đồng giới, điều đó có nghĩa là xã hội hiện nay cần định hình lại ranh giới của "gia đình" và nên tuân theo các nguyên tắc chung và xây dựng các chính sách nuôi dạy con cái và sinh sản không phân biệt đối xử cũng như các dự án trợ cấp nhằm cung cấp sự hỗ trợ bình đẳng cho tất cả các gia đình giống như các nước châu Âu".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기