Theo số liệu 9 tháng đầu năm 2018 từ Viện Kinh tế Nông thôn Hàn Quốc, Nhật Bản lại vươn lên trở thành iểm đến lớn nhất đối với nông sản xuất khẩu của Hàn Quốc với 994 triệu USD (tăng 2,1% so với cùng kỳ), tiếp đó là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với 970 triệu USD (tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái). Tiếp sau đó là Trung Quốc với 789.9 triệu USD, Mỹ với 563,8 triệu USD.
Trước đó, trong nửa đầu năm 2018. giá trị xuất khẩu nông sản của nước này sang các nước ASEAN đã đạt 680 triệu USD, đưa khối gồm 10 nước thành viên này trở thành thị trường nhập khẩu nông sản nhiều nhất của Hàn Quốc. Đây là lần đầu tiên ASEAN thay thế Nhật Bản trở thành điểm đến lớn nhất đối với nông sản xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong cùng thời gian trên, xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc sang thị trường Nhật Bản đạt 670 triệu USD.
Từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2018, xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc đã tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc tăng 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 17,7 tỷ USD. Mỹ chiếm 27% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của Hàn Quốc, tiếp theo là ASEAN (với 15,3%) và Trung Quốc (12,7%).
Riêng đối với thị trường Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm nay, Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu mặt hàng than từ Việt Nam, tuy chỉ đạt 321,3 nghìn tấn, trị giá 42,4 triệu USD, nhưng tăng gấp 3,6 lần (tức tăng 255,8%) và gấp 3,3 lần (tức tăng 326,29%); giá xuất bình quân 132,21 USD/tấn, tăng 19,81% so với cùng kỳ. Ngoài ra, mặt hàng máy ảnh, máy quay phim và linh kiện cũng có tốc độ tăng khá gấp 2,7 lần (tức tăng 165,35%) đạt 263,2 triệu USD.
Nhưng ngược lại, nhóm hàng nông sản xuất sang thị trường Hàn Quốc phần lớn đều sụt giảm ở các mặt hàng cụ thể như: Cao su giảm 27,11% về lượng; 42,34% trị giá và giá xuất bình quân cũng giảm 20,9% tương ứng với 24 nghìn tấn; 36,1 triệu USD và 1501,71 USD/tấn. Cà phê giảm 10,55% về lượng và 19,58% trị giá đạt 24 nghìn tấn; 51,6 triệu USD.
Lý do có lẽ nằm ở việc Hàn Quốc là thị trường áp dụng các tiêu chuẩn cao về kiểm dịch động - thực vật, thực phẩm nhập khẩu và nhất là sau khi Hàn Quốc áp dụng cơ chế mới về quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật trong hạt có dầu và hoa quả nhiệt đới từ ngày 1/1/2017, không ít Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã gặp phải khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch của Hàn Quốc.
Ngoài ra, do khối lượng nhập khẩu thực phẩm, đặc biệt là các mặt hàng nông lâm thủy sản ngày một nhiều và để đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng, Bộ An toàn thực phẩm Hàn Quốc cho hay từ ngày 1-1-2019 Hàn Quốc sẽ áp dụng hệ thống quản lý danh mục dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với sản phẩm nông sản nhập khẩu vào nước này. Điều này có nghĩa là tất cả các mặt hàng nông sản (trừ gạo) sẽ bị áp dụng theo bộ tiêu chí Hệ thống quản lý dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, 370 loại thuốc bảo vệ thực vật sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc. Bất kỳ sản phẩm nông sản hàng hóa nào cũng cần phải nghiên cứu những bộ thuốc sử dụng đối với sản phẩm, làm giảm thiểu tối đa dư lượng còn tồn đọng trên sản phẩm đó. Đồng thời, xem xét thời gian cách ly của từng loại thuốc để đảm bảo không để lại dư lượng trên các sản phẩm.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tăng thêm 32 chợ đầu mối (trước đây có 16 chợ) có hệ thống kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm để kiểm soát nghiêm hơn hàng nhập khẩu.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương cũng hương dẫn, các Doanh nghiệp muốn nhập khẩu hàng vào Hàn Quốc phải thực hiện các bước như nộp hồ sơ đăng ký danh mục sản phẩm và hồ sơ này sẽ được 6 bộ, ngành của Hàn Quốc kiểm tra và để không bị trả lại đơn hàng hay tiêu hủy lô hàng không đạt chuẩn theo quy định của Hàn Quốc. Đồng thời Bộ Công thương cũng đã có khuyến cáo đến các doanh nghiệp rằng họ nên chủ động hơn trong kế hoạch và sản xuất để tránh rủi ro khi xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.