Đời sống Xã hội

Hàn Quốc và nỗ lực tìm lời giải cho bài toán mang tên “xã hội đa văn hóa”

Thanh Phương (thanhphuongdlu@ajunews.com)10:33 19-12-2018

Trang web Danuri (liveinkorea.kr) là trang web tổng hợp các thông tin hỗ trợ đa văn hóa, được thiết kế bằng 13 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. [Ảnh chụp màn hình trang web Danuri]


Trong những năm gần đây, xu hướng kết hôn quốc tế của nam giới Hàn Quốc cùng với làn sóng di trú đến từ nhiều quốc gia trên thế giới đã khiến cấu trúc dân số Hàn Quốc diễn ra sự thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Hàn Quốc, tính đến tháng 8 năm 2018, số lượng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc lên đến hơn 2,3 triệu người, chiếm 4,5% trong tổng dân số Hàn Quốc.

Vốn không phải là một quốc gia đa dân tộc như Việt Nam, Trung Quốc hay nhiều nước khác trên thế giới, việc tiếp nhận nhiều nền văn hóa và ngôn ngữ do các cô dâu, lao động, du học sinh người nước ngoài mang đến đang là một bài toán mà xã hội Hàn Quốc cần đối mặt.

Những dự án hỗ trợ người nước ngoài, đặc biệt là các gia đình có yếu tố hôn nhân nước ngoài được chính phủ Hàn Quốc coi trọng. Tuy nhiên, hiệu quả mà các dự án này mang lại đạt được như thế nào so với số nguồn lực chính phủ bỏ ra vẫn còn là một dấu chấm hỏi.

Các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa, trung tâm hỗ trợ người di trú mọc lên như nấm sau mưa ở tất cả các địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 9 năm 2017, toàn Hàn Quốc có đến 217 trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa (다문화가족지원센터), trong đó chỉ riêng thủ đô Seoul đã có đến 24 trung tâm, khu vực tỉnh Kyeongki có 30 trung tâm. Chức năng chính của các trung tâm này là giúp người nước ngoài đang sinh sống tại Hàn Quốc, đặt biệt là các cô dâu có thể nhanh chóng thích nghi và hội nhập với đời sống xã hội. Các chương trình giảng dạy về ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, chương trình dạy nấu ăn, hướng nghiệp, hỗ trợ phiên dịch và các thủ tục hành chính, hỗ trợ sinh sản, nuôi dạy con cái… được triển khai trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng thực hiện nhiều chương trình cải thiện nhận thức về đa văn hóa của người dân, nhằm giúp người dân bản địa có cái nhìn cởi mở và thân thiện hơn đối với các cư dân nhập cư. Tuy nhiên, sự phân biệt và kì thị vẫn đang là một trong những vấn đề nổi cộm tồn tại trong xã hội Hàn Quốc. Từ khóa “phân biệt” và “kì thị” là một trong những vấn đề hầu như được nhắc đến trong các hội thảo, các diễn đàn, các chương trình phát thanh truyền hình hoặc các công trình nghiên cứu khoa học xã hội về nội dung có liên quan đến thuật ngữ ‘Đa văn hóa’. Không khó để một người nước ngoài tại Hàn Quốc nhận ra cách đối xử khác nhau của người Hàn tùy thuộc vào xuất xứ của bạn, đó là việc bạn đến từ Mỹ và các nước châu Âu, hay đến từ một trong những nước Đông Nam Á.

Dĩ nhiên không thể đánh đồng hiện tượng phân biệt đối xử và kì thị này thành một đặc điểm xã hội, và mặc dù chính phủ Hàn Quốc vẫn luôn nỗ lực để xóa bỏ sự phân biệt đối xử đối với người nước ngoài, đặc biệt là các lao động, cô dâu đến từ những đất nước có nền kinh tế kém phát triển hơn Hàn Quốc, nhưng cũng không thể phủ nhận hiện tượng này đang tồn tại như một thách thức cho những nhà quản lí xã hội.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기