VIỆT NAM

Festival Nghề truyền thống Huế góp phần phát triển các làng nghề

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)08:11 17-04-2019
 

[Ảnh = TTXVN] Trụ đèn Pháp Lam (Phục chế) tại công viên Tứ Tượng kết nối với không gian trưng bày, giới thiệu nghề truyền thống Huế 

 
Theo TTXVN, Festival nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019 diễn ra từ ngày 26/4-2/5 với chủ đề "Tinh hoa nghề Việt". Đến nay, mọi công việc chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế sắp được hoàn tất. Không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tôn vinh nghệ nhân và làng nghề trong và ngoài nước được tổ chức tại đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và Bảo tàng Văn hóa Huế (bên bờ sông Hương) với 39 nhà rường, nhà tre đã được dựng lên.

Ban tổ chức cũng đã lựa chọn 120 tình nguyện viên từ hơn 300 hồ sơ ứng tuyển là các bạn trẻ, đoàn viên, sinh viên đang theo học các trường đại học trên địa bàn thành phố. Những tình nguyện viên được chọn ngoài nắm rõ các chương trình, lễ hội, còn phải đảm bảo tiêu chí am hiểu lịch sử, văn hóa, con người, danh lam thắng cảnh, ẩm thực... của vùng đất Huế.

Trải qua 7 kỳ Festival Nghề truyền thống Huế trước đó, lễ hội không những thu hút các nghề truyền thống của Huế mà của nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài; tôn vinh các giá trị nghệ thuật các làng nghề, các nghệ nhân, những người đóng góp, cống hiến cho nghề truyền thống Việt Nam; mà còn là "chất xúc tác" kích thích phát triển các làng nghề.

Trước tiên, việc quảng bá các nghề truyền thống đã được hình thành; xây dựng nhiều điểm đến du lịch được nhà nước và tư nhân đầu tư, như: Trung tâm Làng nghề đúc đồng Phường Đúc, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Tịnh Tâm Kim Cổ của Doanh nghiệp tư nhân Thuận Thành - Duy Mong…

Từ đó, các nghề và làng nghề truyền thống có nhiều triển vọng hồi sinh, phát triển rõ rệt, như pháp lam, chế tác nhà rường, may áo dài truyền thống, thêu tranh ở phố Phan Đăng Lưu, nón lá Mỹ Lam, gỗ mỹ nghệ Mỹ Xuyên, gốm Phước Tích, giấy Trúc chỉ. Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế, Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019 cho biết, việc tổ chức Festival nhằm thực hiện định hướng xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam.

Đây cũng là trách nhiệm với các nghề truyền thống không chỉ của Huế mà của Việt Nam, tôn vinh các giá trị nghệ thuật, tôn vinh các làng nghề, các nghệ nhân, những người đóng góp, cống hiến cho nghề truyền thống Việt Nam. Thành công lớn nhất qua các kỳ Festival Nghề truyền thống Huế, các không gian biểu diễn và trưng bày sản phẩm nghề từng bước được định hình, tạo không gian tổ chức lễ hội mang tính ổn định, lâu dài.

Quy mô lễ hội cũng thay đổi qua từng kỳ Festival, từ việc giới thiệu một vài nghề ban đầu đến nay có nhiều nghề tham gia, phát triển từ quy mô cấp thành phố đến quy mô toàn quốc và từng bước mang tính quốc tế. Tại Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019, không gian lễ hội được tổ chức gắn với các thiết chế văn hóa hiện có trên tuyến đường Lê Lợi (từ Công viên 3/2, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Công viên Tứ Tượng, Bảo tàng Văn hóa Huế, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng…), định hình một không gian tổ chức lễ hội mang tính ổn định, lâu dài, với quy mô cấp thành phố nhưng có tính chất toàn quốc và mang tính quốc tế.

Tiêu biểu tại công viên Tứ Tượng, các nghệ nhân đã đóng góp kinh phí và công sức để đầu tư lắp đặt hai cây đèn bằng pháp lam và phục hồi 4 tượng voi bằng đồng, làm cho không gian văn hóa này trở nên sinh động và đậm nét văn hóa Huế trong không gian nghề truyền thống. Các không gian này sẽ kết nối với không gian ẩm thực tại công viên Thương Bạc và công viên 3/2, mỗi không gian là một câu chuyện về nghề, giới thiệu tập trung những sản phẩm thủ công truyền thống mang dấu ấn Việt cũng như sự hội nhập quốc tế.

Trưởng Ban tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ 8 - năm 2019 Nguyễn Văn Thành nhấn mạnh, Festival là cơ hội phát triển các làng nghề truyền thống. Qua các kỳ Festival nghề truyền thống Huế, nghệ nhân và những người thợ thủ công ở Thừa Thiên - Huế và các địa phương trong cả nước có cơ hội phô diễn tài năng, tạo động lực để thiết kế và cho ra đời nhiều mẫu mã mới để sản phẩm làng nghề được quảng bá đến du khách.

Hiện, hơn 300 nghệ nhân, 63 cơ sở sản xuất và làng nghề từ trong và ngoài tỉnh đã đăng ký tham gia Festival nghề truyền thống Huế lần thứ VIII năm 2019. Sau 7 kỳ tham gia Festival nghề truyền thống Huế, theo ông Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng (ở đường Chi Lăng, thành phố Huế), hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp là những hợp đồng được ký kết và cơ hội quảng bá sản phẩm.

Để chuẩn bị cho Festival nghề truyền thống Huế 2019, doanh nghiệp đang huy động hơn 10 thợ giỏi; đồng thời, đầu tư các thiết bị tiên tiến để tạo một số dòng sản phẩm mới, như: tượng Phật, sản phẩm thờ tự, đèn ốp tường, tranh trang trí để trưng bày và bán tại lễ hội. Tham gia Festival nghề truyền thống Huế từ năm 2013, nghệ nhân Thân Văn Huy - làng hoa giấy Thanh Tiên cho biết, cái được lớn nhất mà ông cảm nhận là sự hồi sinh và phát triển của làng nghề truyền thống trên địa bàn.

Từ chỗ chỉ tiêu thụ trong tỉnh và một số thành phố trong nước, từ năm 2013, thông qua các kỳ Festival, sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tháng 7/2018, nghệ nhân Thân Văn Huy vinh dự được mời tham gia triển lãm và thao diễn nghề tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) và ký kết một số hợp đồng kinh tế sau các kỳ lễ hội.

Ông Võ Văn Dinh, Giám đốc Hợp tác xã Mây tre đan Bao La cho biết, đối với Hợp tác xã Mây tre đan Bao La, Festival nghề truyền thống Huế đã mở ra cho làng nghề truyền thống này cơ hội ký kết, đưa sản phẩm đến các thị trường lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Quảng Nam và xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Nhật Bản. Hàng năm, khi tổ chức Festival, Hợp tác xã phải huy động hàng trăm nhân công làm hàng nghìn sản phẩm lớn nhỏ để trưng bày và tiêu thụ với doanh số bán hàng đạt hàng trăm triệu đồng.

Festival nghề truyền thống Huế cũng là nơi để nghề dệt Zèng (A Lưới) được quảng bá, trình diễn và giới thiệu rộng rãi hơn đến công chúng và du khách trong ngoài nước. Đây cũng là cơ hội chắp cánh cho nghề dệt Zèng bay xa, được vinh danh trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (năm 2017). Hiện sản phẩm dệt Zèng đã có mặt ở thị trường nhiều nơi trong nước. Gần đây, sản phẩm làm ra từ nghề dệt Zèng được nhà thiết kế Minh Hạnh giới thiệu ở Nhật Bản, Pháp.

Sau các kỳ Festival nghề truyền thống Huế có một số sản phẩm, ví như dệt zèng A Lưới được giới thiệu trên sân khấu thời trang tại Nhật Bản; diều Huế có mặt tại Festival diều ở Pháp và mới đây, 3 ngành nghề gồm điêu khắc gỗ, pháp lam và phục dựng trang phục áo dài của Huế đã tham gia triển lãm tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc). Đặc biệt, sau các kỳ festival, dệt zèng A Lưới được công nhận Bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.../.
Quốc Việt

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기