Đời sống Xã hội

Hàn Quốc và vấn đề già hóa dân số…42% các đô thị đã bước vào thời kỳ xã hội siêu già

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:11 27-12-2021
Trong những năm gần đây, vấn đề già hóa của Hàn Quốc vẫn luôn là vấn đề nổi cộm. Năm ngoái, hơn 40% đô thị và tỉnh thành tại Hàn Quốc đã bước vào xã hội siêu già. Quá trình chuyển đổi của Hàn Quốc từ một xã hội dân số già sang một xã hội siêu già chỉ mất 7 năm, đây là thời gian ngắn nhất so với các nước lớn trên thế giới. Theo đà phát triển này, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng bình quân đầu người của Hàn Quốc sẽ giảm xuống mức đáy bắt đầu từ năm 2030.

 

Các vùng có tỷ lệ dân số cao tuổi cao nhất tại Hàn Quốc. [Ảnh=Yonhap News]


Vào ngày 26, Hãng thông tấn Yonhap đã phân tích độ tuổi của dân số ở nhiều vùng khác nhau của Hàn Quốc dựa trên dữ liệu về dân cư vào năm 2020. Kết quả cho thấy 41,8% trong số 261 thành phố, quận và huyện trên toàn Hàn Quốc đã bắt đầu bước vào thời kỳ dân số siêu già.

Theo định nghĩa của Liên hợp quốc, dân số cao tuổi dùng để chỉ những người trên 65 tuổi, khi tỷ lệ dân số cao tuổi trong tổng dân số của khu vực vượt quá 7% là xã hội già hóa, khi tỷ lệ này là 14% trở lên đó là một xã hội dân số già, và khi chạm mức 20%thì quốc gia đó đã bước vào xã hội siêu già.

Năm ngoái, có 109 thành phố, quận và huyện ở Hàn Quốc nơi dân số cao tuổi chiếm hơn 20% dân số khu vực, gia nhập xã hội siêu già trước một bước so với kế hoạch. Trong đó, khu vực có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất là huyện Uiseong, tỉnh Bắc Gyeongsang, với tỷ lệ người cao tuổi chiếm 40,8% tổng dân số, tiếp theo là huyện Gwangjang, Jeollanam-do, với tỷ lệ 40,5%.

Theo sau là Gyeongbuk Gunwi (39,7%), Gyeongnam Hapcheon (38,9%), Jeonnam Boseong (37,9%), Gyeongnam Namhae (37,3%), Gyeongbuk Cheongdo (37,1%) và Gyeongbuk Yeongdeok (37,0%).

Gyeongbuk là khu vực có số lượng thành phố, quận, huyện đã bước vào xã hội siêu già nhiều nhất với 19 địa điểm. Tiếp theo, Jeonnam (18), Gangwon (14), Gyeongnam (13), Jeonbuk (11), Chungnam (10), Chungbuk (7), Busan (6), Incheon / Daegu (mỗi nơi 3), tiếp theo là Gwangju (1).

Tại 6 thành phố trực thuộc trung ương bao gồm Seoul, Daejeon, Ulsan, Sejong và Jeju, không có thành phố, quận, huyện nào được xếp hạng vào xã hội siêu già. Nhìn chung, tỷ lệ gia nhập xã hội siêu già ở nông thôn cao hơn ở thành thị.


 

Triển vọng biến động của dân số trong độ tuổi lao động và dân số cao tuổi. [Ảnh=Yonhap News]


Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi dân số cao tuổi chiếm 7,2% toàn xã hội. Năm 2018, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt 14,4% đã khiến quốc gia này chính thức bước vào xã hội dân số già. Năm ngoái, dân số cao tuổi của Hàn Quốc đạt 15.8% tổng dân số cả nước. Cục Thống kê dự đoán với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ đạt 20,6% dân số cao tuổi và nước này sẽ chính thức bước vào giai đoạn xã hội siêu già.

Có thể dễ dàng nhận thấy, Hàn Quốc đã mất 17 năm để từ một xã hội già hóa trở thành một xã hội dân số già và chỉ sau 7 năm đã trở thành một xã hội dân số siêu già. Đây là tốc độ gia tăng chóng mặt so với 37 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế ( OECD). Theo báo cáo, tính đến năm ngoái, 11 quốc gia trong OECD đã bước vào xã hội siêu già, bao gồm Nhật Bản, Ý, Pháp, Đức. Trong số đó, Nhật Bản phải mất 11 năm để bước vào xã hội siêu già (từ 1994 đến 2005), Ý mất 19 năm, Pháp mất 40 năm và ở Đức là 34 năm.

Vấn đề già hóa khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Hàn Quốc không mấy lạc quan. OECD dự đoán rằng Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng dưới 1% bình quân đầu người từ năm 2030 và nước này sẽ bị xếp cuối bảng xếp hạng tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên OECD cùng với Canada và các nước khác.

 

[Ảnh=Getty Images Bank]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기