Kinh tế Chính trị

Liệu các công ty Hàn Quốc có trở thành "nạn nhân" trong các lệnh trừng phạt Nga?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:52 03-03-2022
Xung đột giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang. Ngày 28/2 theo giờ địa phương, vòng đàm phán đầu tiên giữa Nga và Ukraine đã không đạt được kết quả như mong đợi, Nga cho biết sẽ tiếp tục phát động các hoạt động quân sự chống lại Ukraine. Các nước phương Tây liên tiếp áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với cường độ cao đối với Nga, đồng thời cho rằng, nếu Trung Quốc cố gắng giúp đỡ Nga, sẽ không loại trừ khả năng mở rộng các biện pháp trừng phạt sang cả Trung Quốc. Nếu tình hình này kéo dài, thiệt hại cho các doanh nghiệp Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ rất đáng kể.

 

[Ảnh=Yonhap News]


Bộ Kế hoạch và Tài chính thông báo vào ngày 1 tháng này rằng Hàn Quốc sẽ ngừng hoàn toàn các giao dịch tài chính với các ngân hàng và các công ty có vốn của Nga, bao gồm Ngân hàng Sberbank, ngân hàng lớn nhất của Nga và sáu ngân hàng lớn khác (VEB, PSB, VTB, Otkritie, Sovcom, Novikom), sẽ có hiệu lực từ ngày 26/3.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đặc biệt khuyến nghị các tổ chức tài chính trong nước của Hàn Quốc ngừng giao dịch trên thị trường phát hành và lưu thông trái phiếu chính phủ Nga sau ngày 2/3. Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và các quốc gia khác cũng đã cấm các tổ chức tài chính giao dịch trái phiếu chính phủ Nga kể từ ngày 1/3 vừa qua. Hàn Quốc trước đó đã thông báo rằng họ sẽ tham gia vào các biện pháp trừng phạt tài chính của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) đối với các ngân hàng Nga.

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt là cũng trở thành "con dao hai lưỡi", và tình hình kinh tế quốc tế vốn đã đầy biến động sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.

Ngày 28/2, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn lời một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết "Nếu Trung Quốc hoặc các quốc gia khác cố gắng giúp đỡ Nga, thì các nước này cũng sẽ bị chúng tôi đưa vào danh sách trừng phạt."

Vào ngày 2/3, các thành viên của phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua dự thảo nghị quyết về tình hình ở Ukraine với 141 phiếu thuận, yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine "ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện", cũng như kêu 2 bên giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán ngoại giao. Trong cuộc họp lần này, Trung Quốc lại tiếp tục bỏ phiếu trắng. Greenfield, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc, cho biết các quốc gia bỏ phiếu trắng đồng nghĩa với việc đang đứng về phía Nga, gây ra cuộc chiến tranh vô cớ.
 
Nếu phía Mỹ mở rộng lệnh trừng phạt sang Trung Quốc, sẽ gây thiệt hại không thể tránh khỏi cho các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc. Tính đến cuối tháng trước, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 24,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Trong 10 năm qua, tỷ trọng nguyên liệu trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất của Hàn Quốc đã lên tới 80%.

Các chuyên gia nhìn chung cho rằng có rất ít hy vọng giải quyết tình hình ở Nga và Ukraine trong ngắn hạn.

Theo số liệu do Viện Chính sách Kinh tế Đối ngoại (KIEP) cung cấp, trong số 2.075 loại hàng hóa mà Hàn Quốc nhập khẩu từ Nga năm ngoái, có tổng cộng 118 loại hàng hóa phụ thuộc hơn 20% vào Nga và tổng cộng 62 loại phụ thuộc hơn 50% vào Nga.

Hàn Quốc cũng phụ thuộc nhiều vào Nga về thủy sản nhập khẩu. 100% cua hoàng đế được nhập khẩu từ Nga, 96,1% cá chép và 93,6% cá tuyết cũng đến từ Nga.

Lee Eog-weon, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc cách đây vài ngày cho biết Chính phủ đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp từ ngày 28 tháng trước, cung cấp hỗ trợ tài chính và thương mại khẩn cấp cho các doanh nghiệp. Để tránh lặp lại "cuộc khủng hoảng urê" năm ngoái, chính phủ cũng sẽ tiến hành khảo sát theo thời gian thực các ngành công nghiệp khác nhau và lập các kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm thiểu thiệt hại của các công ty Hàn Quốc một cách hiệu quả nhất.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기