Kinh tế Chính trị

Chiến lược đầu tư của Hàn Quốc trên thị trường quốc tế sẽ cần phải thay đổi trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine kéo dài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:46 08-03-2022
Một viện nghiên cứu kinh tế của 4 tập đoàn lớn đang chuẩn bị một báo cáo về việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu (GVC) sau cuộc chiến gần đây của Nga. Ngoài xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, vấn đề tổ chức lại chuỗi cung ứng theo cấu trúc “Chiến tranh Lạnh mới” mà hiện nay bao gồm cả Nga cũng nên được đưa vào. Thậm chí viện nghiên cứu này còn đang cân nhắc tới 35 quốc gia không tham gia (bỏ phiếu trắng/phiếu chống) vào nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm lên án Nga bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam (bỏ phiếu trắng) cũng như Belarus, Triều Tiên, Eritrea và Syria (bỏ phiếu chống).

 

Các quan chức đang kiểm tra hồ sơ tại cuộc họp của ngành xuất nhập khẩu liên quan đến việc Nga xâm lược Ukraine được tổ chức tại Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc ở Gangnam-gu, Seoul vào ngày 28/2. [Ảnh=Yonhap News]


Nhà nghiên cứu A yêu cầu giấu tên cho biết, “Khi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, nhiều công ty Hàn Quốc đã chuyển đến Việt Nam và các nước ASEAN khác, nhưng với tình hình hiện nay có thể họ sẽ phải hoạch định lại chiến lược. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã thay đổi hoàn toàn những dự đoán của chúng tôi về trật tự quốc tế tiếp theo."

Với việc Nga xâm lược Ukraine, cấu trúc Chiến tranh Lạnh mới đã trở nên rõ ràng hơn khi cấu trúc “Phương Tây với sự dẫn dắt của Mỹ đối đầu với Trung Quốc-Nga” ngày càng trở nên hẹp hơn đối với các công ty Hàn Quốc. Khi kỷ nguyên của trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc tự do kết thúc, Mỹ và châu Âu có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, mặt khác khả năng cao một hệ thống lưỡng cực mới giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ được hình thành, trong đó Trung Quốc và Nga bắt tay hợp tác với nhau.

Trong 20 năm qua, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các công ty trong nước, Hàn Quốc vẫn luôn giữ một chiến lược không quá nghiêng về bên nào, nhưng giờ đây, tình hình đã thay đổi. Việc không thể hiện một quan điểm rõ ràng rất có thể dẫn đến kết cục là bị "cô lập quốc tế". Khi lập trường ngoại giao và an ninh của Hàn Quốc thay đổi, đây là tình huống mà các công ty Hàn Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa theo các lập trường này để hoạt động trên thị trường quốc tế.

Kim Hyun-chul, giám đốc Viện nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Seoul (cựu cố vấn kinh tế của Nhà Xanh), cho biết: "Đã đến lúc không chỉ mạng lưới cung cấp mà cả đầu tư cũng phải được chia thành khu vực chủ nghĩa tự do và khu vực Trung Quốc và Nga. Hàn Quốc cần phải lập chiến lược tỉ mỉ giữa 2 khu vực Mỹ và Trung Quốc."

Trung Quốc từ lâu đã không còn là 'thị trường trong mơ'. Điều này là do môi trường kinh doanh tại quốc gia này đã rơi vào tình trạng khó lường trước sự điều tiết thiếu thận trọng của chính quyền Tập Cận Bình, trong đó đặt “của cải chung” lên hàng đầu. Vị thế của các công ty Hàn Quốc ngày càng thu hẹp do chính sách tự cung tự cấp của chính phủ Trung Quốc, vốn tuyên bố rằng họ sẽ tự cung tự cấp hơn 70% bộ phận cốt lõi của mình trong các ngành công nghiệp chính như chất bán dẫn và xe điện. Ngoài ra, Mỹ thậm chí đã yêu cầu các đồng minh của mình cấm nhập khẩu các công nghệ tiên tiến cho Trung Quốc.

Chính vì lý do này mà các công ty Hàn Quốc lần lượt rời bỏ Trung Quốc. Vào tháng 5 năm ngoái, Tập đoàn Hyundai Motor bắt đầu tổ chức lại hoạt động kinh doanh của mình bằng cách xúc tiến việc bán nhà máy của Hyundai Motor tại Bắc Kinh.

SK China, công ty mẹ của SK Group tại Trung Quốc, đã tuyên bố rời Trung Quốc vào tháng 8/2021 bằng cách bán 100% cổ phần của SK Rent-a-Car cho Toyota Trung Quốc với giá 50 tỷ won. SK Hynix đã cố gắng triển khai một máy phơi sáng tia siêu cực tím (EUV), là cốt lõi của quá trình xử lý siêu mịn, tại nhà máy bán dẫn DRAM của họ ở Vô Tích, Trung Quốc, nhưng đã hiện đã tạm thời hoãn lại.

Quan chức (của 1 trong 4 tập đoàn lớn) B cho biết “Do sự rộng lớn của thị trường nội địa Trung Quốc cùng với giá nhân công rẻ, đầu tư vào Trung Quốc luôn được coi là ưu tiên số một, tuy nhiên bầu không khí gần đây đã thay đổi. Trước đây, kể cả khi tính đến rủi ro và chi phí tồi tệ nhất của cuộc xung đột Mỹ-Trung, chúng tôi vẫn có thể bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc vì nhận thấy có thể kiếm được lợi nhuận, nhưng bây giờ điều đó không hề dễ dàng."

Tuy nhiên, Hàn Quốc không thể cứ thế từ bỏ Trung Quốc, thị trường xuất khẩu số một. Đó là do sức hút của việc sở hữu thị trường nội địa mạnh mẽ với chi phí lao động thấp.

Một quan chức C của Viện nghiên cứu kinh tế cho 10 tập đoàn lớn cho biết: "Việc hoạch định chiến lược hiện nay trở nên rất khó khăn vì các vấn đề kinh tế thay đổi tùy thuộc vào các vấn đề an ninh."

Giới kinh doanh cũng đang chú ý đến những thay đổi trong hệ thống thương mại đa phương. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do (FTA) lớn nhất, có hiệu lực vào ngày 1/2, chiếm khoảng 30% GDP thế giới (30,8%), dân số (29,7%) và thương mại (31,9 %).

Tuy nhiên, chỉ mười ngày sau, Hoa Kỳ đã công bố phiên bản Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Chính quyền Biden và báo trước sự ra mắt của Khung kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) vào nửa đầu năm nay. IPEF là “con át chủ bài” mà Mỹ đưa ra để kiểm soát RCEP do Trung Quốc đứng đầu. Điều này có nghĩa là 'khuôn khổ thông thường' đang thay đổi từ thương mại tự do dựa trên chủ nghĩa đa phương sang một chuỗi cung ứng khép kín bị chi phối bởi logic an ninh. Lợi ích của các công ty Hàn Quốc chắc chắn sẽ khác nhau tùy thuộc vào việc Hàn Quốc tham gia vào chiến lược (hiệp định) quản trị nào.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기