Đời sống Xã hội

Hàn Quốc báo cáo 2 ca nghi nhiễm đậu mùa khỉ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:36 22-06-2022
Ngày 22, Hàn Quốc thông báo các cơ quan đang tiến hành xét nghiệm với 2 trường hợp (1 người nước ngoài và 1 người Hàn Quốc) bị nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.

 

Sân bay quốc tế Incheon đang bắt đầu tăng cường kiểm dịch liên quan đến bệnh đậu mùa khỉ. [Ảnh=Yonhap News]


Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, "Chiều ngày 21, chúng tôi đã nhận được báo cáo về hai trường hợp có biểu hiện lâm sàng về tổn thương da và triệu chứng trên toàn thân có liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ. Hiện chúng tôi đang tiến hành kiểm tra."

Hai trường hợp nghi ngờ nhiễm đậu mùa khỉ là A một người nước ngoài nhập cảnh vào Hàn Quốc bằng đường hàng không hôm 20/6, và B mang quốc tịch Hàn Quốc đã quay trở lại Hàn từ Đức vào ngày 21/6.

A bị tổn thương da phồng rộp kèm theo các triệu chứng toàn thân như đau họng và nổi hạch từ ngày 19 và đến bệnh viện ở Busan (cơ sở điều trị nội trú được chỉ định trên toàn quốc) vào sáng ngày 21, một ngày sau khi nhập cảnh.

Sau đó, bệnh viện này đã báo cáo một trường hợp nghi bị đậu khỉ vào lúc 4 giờ chiều ngày 21 và hiện đang được điều trị trong khu cách ly tại cùng bệnh viện.

B là người Hàn Quốc trở về từ Đức vào khoảng 4 giờ chiều ngày 21. Người này bắt đầu bị đau đầu vào ngày 18 trước khi nhập cảnh, tại thời điểm nhập cảnh, người này có các triệu chứng toàn thân như sốt nhẹ 37 độ, đau họng, mệt mỏi và một số tổn thương ngoài da.

Sau khi đến Sân bay Quốc tế Incheon, B ta đã báo cáo về những triệu chứng của mình cho Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc và được Trạm kiểm dịch sân bay và Cơ quan Điều tra Dịch tễ Trung ương phân loại là trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.

Sau khi chờ đợi tại cơ sở cách ly sân bay, B được chuyển đến Trung tâm Y tế Incheon, một sơ sở điều trị nội trú được chỉ định trên toàn quốc.

Có thể thấy B đã được nhanh chóng được cách ly sau khi nhập cảnh, nhưng với trường hợp của A, có khả năng người này đã có những tiếp xúc cá nhân trong một ngày vì A đến bệnh viện vào 1 ngày sau khi nhập cảnh.

Đã có những chỉ trích về sơ hở trong hệ thống kiểm dịch khi người A mặc dù có các triệu chứng nghi ngờ nhưng vẫn có thể qua được khâu kiểm dịch trong quá trình nhập cảnh.

Ngày 24/5, các nhà chức trách kiểm dịch Hàn Quốc đã cho biết rằng họ sẽ tăng cường giám sát để ngăn chặn sự xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ và sẽ tiến hành đo thân nhiệt cũng như yêu cầu khách nhập cảnh trả lời bảng câu hỏi tình trạng sức khỏe với đối tượng du khách đến từ các quốc gia có bệnh đậu mùa khỉ.

Vào ngày 31/5, cơ quan phòng dịch đã đưa ra mức độ cảnh báo nguy cơ ở cấp 'đáng quan tâm' đối với bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa ở khỉ là một bệnh sốt và phát ban cấp tính do nhiễm vi rút. Các loài gặm nhấm như chuột là vật mang mầm bệnh chính và lây truyền chủ yếu khi tiếp xúc gần với những bệnh nhân có triệu chứng nhiễm bệnh. Đậu mùa khỉ có thể lây truyền qua đường hô hấp, nhưng khó lây truyền qua không khí thông qua giọt bắn có chứa vi rút, vì vậy nó không có khả năng lây lan nhanh như COVID-19.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ những năm gần đây là 3 - 6%, một con số rất đáng quang ngại. Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và bệnh nhân suy giảm miễn dịch, bệnh đậu mùa khỉ có thể tiến triển thành các triệu chứng nghiêm trọng, vì vậy cần phải hết sức thận trọng.

Mặc dù đây là một loại vi-rút đã trở thành bệnh đặc hữu ở châu Phi, nhưng nó đang lây lan nhanh chóng trên khắp thế giới sau khi trường hợp đầu tiên được báo cáo ở Anh vào ngày 7/5. Tính đến ngày 15/6, đã 2.103 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 42 quốc gia trên thế giới, trong đó chỉ có 64 trường hợp (3%) ở Châu Phi (bao gồm các quốc gia đã coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu), còn tất cả các trường hợp còn lại xuất hiện tập trung ở Châu Âu và những quốc gia, khu vực chưa coi đậu mùa khỉ là bệnh đặc hữu.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기