Đời sống Xã hội

Tranh cãi xung quanh kế hoạch cải tổ hệ thống giáo dục và đề án giảm tuổi nhập học của Bộ giáo dục Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)08:04 02-08-2022
Tranh cãi ngày càng gia tăng khi Bộ Giáo dục Hàn Quốc đột ngột công bố kế hoạch cải cách hệ thống trường học nhằm xúc tiến kế hoạch giảm độ tuổi nhập học tiểu học từ tròn 6 tuổi xuống còn tròn 5 tuổi bắt đầu sớm nhất là vào năm 2025.

Trong kế hoạch hoạt động của chính phủ mới được báo cáo với Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 29, Bộ Giáo dục thông báo rằng họ sẽ thúc đẩy kế hoạch cải cách hệ thống trường học để giảm độ tuổi nhập học tiểu học xuống một năm.

Nếu đạt được sự đồng thuận của xã hội, kế hoạch này sẽ được thực hiện từ năm 2025, và đây cũng là lần đầu tiên hệ thống giáo dục ở Hàn Quốc được thay đổi sau 76 năm kể từ khi 'Đạo luật Giáo dục' được ban hành vào năm 1949.

Bộ Giáo dục cho biết sẽ tìm kiếm sự đồng thuận thông qua các cuộc thảo luận công khai trong tương lai, nhưng đã có sự phản đối lớn từ các bậc phụ huynh trước sự xuất hiện đột ngột của vấn đề tổ chức lại hệ thống trường học, điều mà chưa từng được đề cập trong cam kết của tổng thống. Rất khó để đoán được liệu nó có được Quốc hội thông qua hay không do về cơ bản, việc cải cách hệ thống giáo dục phải được sửa đổi ở cả luật giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

 

Các em học sinh đang bước vào một trường mẫu giáo ở trung tâm thành phố Seoul vào sáng ngày 1/8/2022. [Ảnh=Yonhap News]

 
Lý do đột ngột hạ tuổi vào tiểu học
Theo cộng đồng giáo dục ngày 31, đề án cải cách hệ thống giáo dục nhằm giảm độ tuổi nhập học tiểu học là một chính sách được chính phủ trước đây đề cập đến như một trong những biện pháp đối phó với tỷ lệ sinh thấp và già hóa dân số. Trong tình hình dân số lao động dự kiến sẽ giảm, mục đích của việc giảm độ tuổi đi học, về lâu dài là nhằm đẩy sớm độ tuổi đi làm (tuổi thanh niên gia nhập thị trường lao động), kết hôn và sinh con.

Park Soon-ae, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục giải thích về bối cảnh thúc đẩy kế hoạch giảm tuổi đi học "Có một nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc đầu tư vào giáo dục cho trẻ sơ sinh và trẻ em ở độ tuổi tiểu học (so với tuổi trưởng thành) lớn hơn 16 lần. Việc hạ tuổi đi học là thể hiện ý chí chịu trách nhiệm của chính phủ để ngay cả những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội cũng có thể nhanh chóng bước vào giáo dục công lập và học tập."

Bộ trưởng Park cũng giải thích rằng năng lực trí tuệ của trẻ em ngày càng cao và thời gian truyền đạt cũng nhanh hơn trước đây, do đó nội dung giáo dục trong 12 năm hiện tại có thể chỉ cần 10 năm là đủ.

Hiệu trưởng Đại học Công giáo Daegu Woo Ki-dong (cựu giám đốc giáo dục Daegu) nói rằng "Cần có thời gian chuẩn bị để thực hiện. Vì dân số đang giảm nên việc giảm tuổi đi học để giảm độ tuổi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động của thanh niên là điều cần thiết."

Ông nhấn mạnh, "Đây là thời đại giáo dục trọn đời và thông tin tri thức thay đổi rất nhanh. Không nên giữ học sinh quá lâu tại các trường THCS, THPT."
 
Bộc lộ sự lo lắng từ các vấn đề của giáo viên và lớp học đến giáo dục tư nhân, chăm sóc, và tác động của các kỳ thi đầu vào
Tuy nhiên, các quan điểm phản đối phổ biến hơn nhiều trong các tổ chức liên quan và các chuyên gia giáo dục.

Liên đoàn các Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc cho biết "Việc cải tổ hệ thống giáo dục cần mở rộng đáng kể việc cung cấp giáo viên, mở rộng lớp học và đầu tư tài chính khổng lồ vì nó có thể tăng gấp đôi số học sinh tại một thời điểm cụ thể. Những học sinh này có thể gặp bất lợi trong kỳ thi tuyển sinh, xin việc, và có thể gây ra xung đột lợi ích."

Ngoài ra, nhiều trường tiểu học công lập cho học sinh lớp dưới đi học vào khoảng 1 giờ chiều, cũng có lo ngại rằng việc đưa trẻ em có độ tuổi nhỏ hơn nhập học tiểu học sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc chăm sóc con cái của các gia đình có bố mẹ đều đi làm.

Liên đoàn Giáo viên Quốc gia cho biết "Trường tiểu học thiếu hệ thống chăm sóc học sinh sau giờ học cho các cặp phụ huynh cùng đi làm so với trường mẫu giáo. Tuy Bộ giáo dục cho biết rằng sẽ tăng cường chức năng chăm sóc ở trường tiểu học nhưng việc chuyển dịch vụ chăm sóc ở trường mẫu giáo vào áp dụng ở cấp tiểu học một cách vội vàng mà không có sự chuẩn bị có phải là một chính sách đúng đắn hay không."

Viện Nghiên cứu Thiết kế Chính sách Giáo dục chỉ trích, "Nếu mục tiêu chỉ nhằm đẩy sớm độ tuổi đi làm của lực lượng lao động sớm thêm một năm, chúng tôi không thể không chỉ ra những hạn chế trong triết lý quản lý của chính phủ là mải mê với các giá trị của thị trường và các công ty. Làm thế nào để có thể giải quyết được môi trường giáo dục không phù hợp với quá trình phát triển của từng lứa tuổi và những tác động phụ của giáo dục và sự căng thẳng của những đứa trẻ không thích nghi được với nó?"
 
Liệu sẽ có sự đồng thuận xã hội?…Khó khăn dự kiến ​​từ việc sửa đổi luật
Các trường mầm non tư thục, nơi được cho là sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc sắp xếp lại hệ thống trường học, cũng đưa ra ý kiến phản đối gay gắt.

Hiệp hội các trường mẫu giáo tư thục quốc gia đã chỉ ra rằng, "Bộ giáo dục đột nhiên công bố kế hoạch cải tổ lại hệ thống giáo dục trong khi chưa hề có sự nghiên cứu cũng như thu thập, tiếp thu ý kiến từ các trường học, phụ huynh - những người thực sự chịu ảnh hưởng của các thay đổi này. Trẻ 5 tuổi là đối tượng chính của giáo dục mẫu giáo, chiếm 40 - 50% tổng số trẻ mẫu giáo. Nếu Bộ giáo dục cố tình thúc đẩy mạnh mẽ, kế hoạch này sẽ không có hiệu quả thực sự mà chỉ dừng lại như những ý tưởng vội vàng và vô lý."

Để cải tổ hệ thống giáo dục, cần phải sửa đổi luật, có thể thấy trên thực tế việc thông qua đề án sửa đổi có thể không dễ dàng vượt qua sự phản đối mạnh mẽ của dư luận trong tình hình chính trị của đảng đối lập.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기