Ngày 22/8, Viện nghiên cứu chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc tổ chức hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về 30 năm hợp tác Hàn - Việt đã tổ chức tọa đàm giới thiệu kết quả công trình nghiên cứu về 30 năm hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Tọa đàm được tổ chức nhằm công bố các báo cáo kết quả nghiên cứu trong cuốn sách “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, được thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hàn Quốc (1992~2022), đồng thời thảo luận về triển vọng hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc trong tương lai.
Tham dự tọa đàm có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng; ông Park Jong-kyoung Tham tán Công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Kim Han-yong Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM); bà Nguyễn Thị Minh Hằng Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc tại Việt Nam (VKBIA Việt Nam) và các chuyên gia, nhà nghiên cứu của cả 2 nước.
Cuốn sách là tập hợp công trình nghiên cứu của nhóm 6 giáo sư, nhà nghiên cứu (3 người Hàn Quốc: Kwak Sung-il, Beak Yong-hun, Lee Han-woo và 3 người Việt Nam: Lê Quốc Hưng, Vũ Mạnh Lợi, Nguyễn Thị Thanh Huyền). Các tác giả đều là các chuyên gia về kinh tế, xã hội và đều công tác tại các viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam và Hàn Quốc. Việc lựa chọn nhóm nghiên cứu từ cả hai nước để có cái nhìn đa chiều từ cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Nhóm nghiên cứu đã tập trung xem xét hiện trạng hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua và cùng nhau đề xuất những đánh giá khách quan nhằm mục tiêu thiết kế một tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch KORCHARM Kim Han-yong khẳng định thương mại giữa 2 nước Hàn Quốc - Việt Nam đang phát triển rất tốt, đặc biệt đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam hiện tăng lên nhờ sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam.
"Hai nước đang hướng tới mục tiêu đạt 100 tỷ USD kim ngạch thương mại trong năm nay và nếu thực hiện tốt thì sẽ nâng mục tiêu lên 150 tỷ USD vào năm tới. Ngoài ra, Hàn Quốc cũng đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như an ninh kinh tế, công nghệ cao, vấn đề môi trường, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt sẽ hỗ trợ Việt Nam thành nước phát triển vào năm 2025", chủ tịch KORCHARM cho biết thêm.
Tại buổi tọa đàm cùng ngày, ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó tổng giám đốc Trung Tâm Thông Tin Công Nghiệp Và Thương Mại (VITIC) đã đề cập đến những thành tựu trong những năm qua.
"Tốc độ phát triển thương mại Việt Nam - Hàn Quốc trong 30 năm qua phát triển rất mạnh, trung bình tăng 27%. Hàn Quốc đang là thị trường nhập khẩu đứng thứ 2 của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam. Việt Nam cũng là thị trường nhập khẩu thứ 5 và xuất khẩu thứ 3 của Hàn Quốc", ông Phương thông tin.
Đặc biệt, nguyên Phó tổng giám đốc VITIC cũng nhấn mạnh rằng sau 2 hiệp định thương mại lớn là AKFTA (Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Hàn Quốc) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc, thương mại giữa 2 nước đã ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong những năm qua, các chuyên gia cũng chỉ ra những vấn đề, hạn chế còn tồn tại, gây ảnh hưởng đến thương mại, giao lưu giữa hai nước.
Theo ông Kwak Sung-il, Nghiên cứu viên của KIEP, "Vấn đề đáng quan tâm trong đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam hiện nay là năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đủ để hấp thụ các công nghệ cao được chuyển giao từ phía nhà đầu tư. Tỷ lệ giá trị gia tăng của Việt Nam so với các nước trong khu vực vẫn thấp".
Đồng tình với ý kiến này, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhấn mạnh: "Nghị quyết 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành cho thấy, chúng ta đang hướng đến mục tiêu hợp tác đầu tư nước ngoài chứ không còn là giai đoạn thu hút đầu tư nước ngoài như trước, vì vậy cần đảm bảo về "chất" trong hợp tác kinh doanh".
Nguyên cục trưởng Phan Hữu Thắng cũng đưa ra đề xuất "Hợp tác đầu tư là đảm bảo mối quan hệ cân bằng giữa 2 bên, đa phương hóa, đa dạng hóa, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, giá trị gia tăng các sản phẩm của Việt nam trong chuỗi giá trị toàn cầu còn quá thấp, không tương xứng với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Vì vậy, chúng ta phải phát triển tốt công nghiệp phụ trợ để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó cân bằng sự giao lưu hợp tác trong thời gian tới."