Đời sống Xã hội

Các khu chợ truyền thống tại Hàn Quốc đang dần biến mất

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:39 21-11-2022
Trong 14 năm qua, trên khắp Hàn Quốc đã có hơn 200 chợ truyền thống đã phải đóng cửa.

Có vẻ như các siêu thị, đại siêu thị của các hãng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi do các tập đoàn lớn điều hành đã dần mở rộng tầm ảnh hưởng và thay thế vai trò của của các khu chợ truyền thống. Việc thiếu phản ứng kịp thời với những thay đổi trong cơ cấu phân phối của các chợ truyền thống cũng được coi là một yếu tố.


 

[Ảnh=Getty Images Bank]


Gần đây, trọng lượng của thị trường phân phối đã dần chuyển sang hình thức trực tuyến, các khu chợ truyền thống cũng đang tìm cách tăng cường khả năng giao dịch kỹ thuật số tuy nhiên việc chuyển đổi cũng không dễ dàng.

Theo Cơ quan xúc tiến thị trường tiểu thương vào ngày 21, tính đến năm 2020, số lượng chợ truyền thống trên toàn quốc là 1.401, giảm 209 (13,0%) so với 14 năm trước năm 2006 (1.610).

Nhìn vào từng thành phố và tỉnh, trong cùng thời kỳ, Gyeongbuk cho thấy mức giảm lớn nhất từ 191 chợ xuống còn 138, trong khi Jeonnam giảm từ 123 xuống 90.

Ngoài ra, Busan (-23), Chungnam (-20), Gyeongnam (-18), Seoul (-17) và Gyeonggi (-15) cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.

Số lượng các quầy bán hàng cũng giảm gần 20.000. Con số này đã giảm 18.580 (8,2%) từ 225.725 quầy bán hàng năm 2006 xuống còn 207.145 vào năm 2020. Doanh thu trung bình hàng ngày trên mỗi chợ truyền thống giảm 1,0% từ 57,87 triệu won xuống 57,32 triệu won so với cùng kỳ.

Các cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư và cửa hàng bán lẻ đặc sản, vốn được coi là những doanh nghiệp tiêu biểu cùng nhóm với chợ truyền thống, cũng không tránh khỏi tình cảnh tương tự.

Theo doanh số bán lẻ của Cục thống kê quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, doanh số bán lẻ của các cửa hàng bán lẻ đặc sản là 100,3 nghìn tỷ won, giảm 1,5% (1,5 nghìn tỷ won) so với cùng kỳ năm 2015, năm đầu tiên có số liệu thống kê liên quan .

Doanh số bán lẻ của cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư cũng chỉ tăng 5,0% trong bảy năm qua từ 33 nghìn tỷ won lên 34,6 nghìn tỷ won.

Nguyên nhân khiến chợ truyền thống, tiểu thương ế ẩm đến nay là do hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cửa hàng tiện lợi mở rộng ảnh hưởng và dần thay thế vai trò của chợ truyền thống.

Doanh số bán lẻ tại các trung tâm thương mại đã tăng 34,1% từ 20,6 nghìn tỷ won từ tháng 1~9/2015 lên 27,6 nghìn tỷ won từ tháng 1~9/2022. Bên cạnh đó, doanh thu của các cửa hàng tiện lợi cũng tăng gần gấp đôi (92,7%) từ 12,1 nghìn tỷ won lên 23,2 nghìn tỷ won.

Theo báo cáo quý III của E-Mart, cả nước có 6.296 cửa hàng tiện lợi. Có 158 đại siêu thị và cửa hàng giảm giá dạng kho, 261 siêu thị và 7 trung tâm mua sắm phức hợp.

Cơ sở vật chất xuống cấp và vấn đề đỗ xe cũng được cho là một trong những nguyên nhân khiến chợ truyền thống dần bị lãng quên.

Vì lý do này, dự án hiện đại hóa cơ sở vật chất của chợ truyền thống đã được đẩy mạnh và tỷ lệ chợ truyền thống được trang bị bãi đậu xe cho khách hàng tăng đáng kể từ 36,2% năm 2006 lên 82,8% vào năm 2020. Tuy nhiên, bãi đỗ xe dù đã được trang bị nhưng không gian chật hẹp vẫn là một vấn đề cần giải quyết.

Gần đây, sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc số hóa đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Cấu trúc thị trường phân phối hiện đang nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến.

Các dịch vụ giao hàng trong ngày và giao hàng vào sáng sớm như Coupang và Market Kurly đã một lần nữa khiến cho chợ truyền thống và chủ doanh nghiệp nhỏ tương đối yếu về các dịch vụ kỹ thuật số phải đối mặt thêm với nhiều khó khăn.

Thống kê cho thấy doanh số bán lẻ không qua cửa hàng như mua sắm qua Internet, mua sắm qua TV tại nhà và giao hàng tận nơi đã tăng 157,4% từ 33,9 nghìn tỷ won trong tháng 1~9/2015 lên 87,2 nghìn tỷ won trong tháng 1~9 năm nay.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기