Theo Benzinga, một cơ quan truyền thông đầu tư của Mỹ, vào ngày 5, quy mô thị trường mua sắm trực tuyến tại Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng lên 389,89 tỷ USD (khoảng 496,135 nghìn tỷ won) vào năm 2026, ghi nhận tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 19,92%. Đây là mức tăng 79,32% so với năm 2022 (188,53 tỷ USD; khoảng 239,904 nghìn tỷ won).
Benzinga dự đoán rằng thị trường mua sắm trực tuyến Hàn Quốc sẽ phát triển do sự mở rộng của cơ sở vật chất công nghệ thông tin (IT) chẳng hạn như độ phổ biến của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của các nhà bán lẻ cũng như sự gia tăng người dùng Internet và điện thoại thông minh, sự mở rộng đô thị hóa. Benzinga cũng chỉ ra rằng Lotte Shopping, SSG.com (công ty mẹ là Shinsaege) và Coupang sẽ là những công ty lớn dẫn đầu sự phát triển của ngành mua sắm trực tuyến Hàn Quốc.
Vào tháng 11 năm ngoái, Lotte Shopping đã ký thỏa thuận hợp tác với Ocado, công ty công nghệ bán lẻ toàn cầu có trụ sở tại Anh, để hợp tác kinh doanh bán lẻ trực tuyến (e-Grocery) tại thị trường Hàn Quốc. Công ty có kế hoạch giới thiệu Nền tảng thông minh Ocado (OSP), một giải pháp tích hợp xử lý toàn bộ quy trình đặt hàng và giao hàng trực tuyến.
Bắt đầu với trung tâm hậu cần tự động hóa (CFC) đầu tiên dự kiến sẽ được vận hành vào năm 2025, Lotte Shopping có kế hoạch mở 6 CFC vào năm 2030. Cốt lõi của Ocado CFC là robot chuyên lấy hàng tại từng khu vực và đóng gói sản phẩm, trong đó, robot sẽ di chuyển trên các đường ray giống như ô bàn cờ.
SSG.com đang thực hiện chiến lược tăng cường mạng lưới hậu cần tập trung vào Trung tâm Thu gom và Đóng gói (Picking & Packing), đặt trọng tâm vào các cửa hàng E-Mart. SSG.com đã cho thấy nhiều nỗ lực trong quá trình mở rộng trung tâm Thu gom và Đóng gói phụ trách các khu vực khác ngoài khu vực đô thị. Bắt đầu với chi nhánh Icheon vào tháng 8/2021, SSG.com đã vận hành tổng cộng 13 trung tâm Thu gom và Đóng gói lớn tại các địa điểm như Pyeongtaek, Manchon, Hanam và Ulsan.
Với chiến lược là nâng cao hiệu quả hậu cần, các trung tâm Trung tâm Thu gom và Đóng gói lớn ở Icheon, Pyeongtaek và Manchon đã áp dụng nhiều công nghệ tự động hóa khác nhau bao gồm hệ thống lấy hàng tự động (Digital Picking System·DPS), cơ sở phân loại tự động và hệ thống đóng gói tự động (Digital Assorting System·DAS).
Mặt khác, vào tháng 3/2022, Coupang đã hoàn thành Trung tâm Hậu cần Daegu (Daegu FC). Coupang giới thiệu Daegu FC là một trung tâm hoàn thiện đơn hàng quy mô siêu lớn với tổng diện tích tòa nhà lên tới 330.000 mét vuông bao gồm một tầng hầm và 5 tầng nổi.
Coupang cũng đang nỗ lực để tối ưu hóa các lộ trình quản lý và phân phối sản phẩm bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn và công nghệ tự động hóa. Cụ thể Coupang đã sử dụng nhiều thiết bị đóng gói tự động cũng như vận hành robot vận chuyển hàng tại một số trung tâm lưu thông hàng hóa. Khi nhân viên đặt sản phẩm đã đóng gói lên robot, robot sẽ quét địa chỉ của vận đơn, tự động chuyển hàng tới địa điểm được ghi trên vận đơn bằng cách đọc mã vạch (barcode) dưới sàn nhà.
Benzinga cho biết, "Sự lây lan của dịch Covid-19 cũng có tác động đến việc mở rộng các trung tâm mua sắm trực tuyến. Thêm vào đó, giờ đây với việc có thể dễ dàng truy cập vào các trung tâm mua sắm trực tuyến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng giúp cho sự tiện lợi của người tiêu dùng được nâng cao thúc đẩy tăng trưởng quy mô thị trường."