Đời sống Xã hội

Hàn Quốc đặt mục tiêu thu hút 700.000 bệnh nhân nước ngoài vào năm 2027 bằng nhiều biện pháp bao gồm nới lỏng thị thực

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)09:27 07-06-2023
Với mục tiêu thu hút 700.000 bệnh nhân nước ngoài vào năm 2027, chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng triển khai nhiều biện pháp khác nhau bao gồm nới lỏng thủ tục nhập cảnh. Thông qua chiến lược thu hút bệnh nhân nước ngoài, Hàn Quốc sẽ tạo ra các cụm du lịch y tế nơi du khách có thể khám phá các điểm du lịch sau khi nhận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

 
Chiến lược thu hút bệnh nhân nước ngoài.

Chiến lược thu hút bệnh nhân nước ngoài. [Ảnh=Bộ Y tế và Phúc lợi]

Vào ngày 29, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) cùng các bộ ban ngành liên quan đã cùng nhau công bố 'Chiến lược thu hút bệnh nhân nước ngoài'.

Dữ liệu do Bộ Y tế Hàn Quốc công bố cho thấy số bệnh nhân nước ngoài đến thăm Hàn Quốc năm ngoái là 248.000 người, tăng 70% so với năm 2021 (146.000) và tăng 50% so với năm 2019 (497.000) trước khi dịch Covid-19 xảy ra. Năm 2022, bệnh nhân từ 192 quốc gia đã đến thăm Hàn Quốc; trong số đó người Mỹ chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là người Trung Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Khách du lịch đến Hàn Quốc chủ yếu để được điều trị nội khoa, phẫu thuật thẩm mỹ và điều trị da.

Chiến lược thu hút 700.000 bệnh nhân nước ngoài vào năm 2027 tương đương với số lượng bệnh nhân nước ngoài đến thăm Hàn Quốc sẽ tăng 26%/năm.

Để đạt được mục tiêu này, bốn chiến lược sẽ được thúc đẩy bao gồm ▲ Cải thiện thủ tục nhập cảnh ▲ Giảm bớt sự thiên vị về khu vực và đối tượng y tế ▲ Tăng cường khả năng cạnh tranh của các ngành công nghiệp liên quan ▲ Nâng cao nhận thức toàn cầu.

Trước hết, các tổ chức thu hút xuất sắc do Bộ Tư pháp chỉ định có thẩm quyền xin thị thực điện tử sẽ được mở rộng từ 27 cơ sở (năm 2022) lên hơn 50 cơ sở vào năm nay. Theo đó, thị thực của bệnh nhân có thể được cấp trực tuyến thay vì phải trực tiếp đi đến các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài.

Phạm vi người chăm sóc và giám hộ của bệnh nhân nước ngoài được mở rộng từ vợ/chồng, thành viên gia đình trực hệ sang cả cho anh chị em ruột. Đồng thời theo hệ thống mới, người chăm sóc và người giám hộ đi cùng bệnh nhân sẽ không cần nộp tài liệu chứng minh khả năng tài chính của họ.

'Cụm hội tụ du lịch y tế chăm sóc sức khỏe' sẽ được thành lập tại Incheon, Daegu/Gyeongbuk, Busan, Gangwon, Jeonbuk và Chungbuk để bệnh nhân nước ngoài và người giám hộ của họ có thể kết hợp điều trị y tế và du lịch.

Đó là sự kết hợp giữa sử dụng các dịch vụ y tế tại cụm địa phương và sau đó là du lịch như suối nước nóng. Vì 70-80% bệnh nhân nước ngoài tập trung ở khu vực đô thị hàng năm, nên thông qua chiến lược này, chính phủ Hàn Quốc cũng kỳ vọng có thể giảm bớt sự tập trung của bệnh nhân tại khu vực thủ đô.

Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ tiếp tục khám phá và triển khai các mô hình y tế và du lịch phù hợp cho bệnh nhân V.I.P và bệnh nhân lưu trú dài hạn, đồng thời tăng cường tiếp thị quảng bá bằng cách sử dụng văn hóa Hàn Quốc bao gồm các bài hát và phim truyền hình Hàn Quốc.

Ngoài phẫu thuật thẩm mỹ và da liễu, chiến lược này cũng sẽ góp phần mở rộng cơ sở hạ tầng thu hút bệnh nhân nước ngoài đối với các bệnh nặng và phức tạp như điều trị ung thư, cấy ghép và tăng cường quảng bá hơn nữa đối với y học phương Đông.

Hệ thống "đánh giá và chỉ định" hiện tại để thu hút bệnh nhân nước ngoài sẽ được thay đổi thành hệ thống "đánh giá và chứng nhận". Theo đó, số lượng các tổ chức được chứng nhận dự kiến sẽ được mở rộng hơn thông qua các biện pháp khuyến khích.

Bên cạnh đó, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để quản lý theo dõi và tư vấn trước từ xa cho bệnh nhân nước ngoài sẽ được mở rộng; điều trị từ xa (không gặp mặt) cũng sẽ được thể chế hóa. Để thể chế hóa việc điều trị từ xa cho bệnh nhân nước ngoài, cùng với Đạo luật y tế, chính phủ Hàn Quốc cũng cần sửa đổi Đạo luật mở rộng y tế ra nước ngoài.

Chính phủ đang có kế hoạch thúc đẩy các dịch vụ nghiên cứu về hệ thống cấp phép quốc gia để điều trị cho bệnh nhân nước ngoài ở nước ngoài và tìm hiểu xem luật pháp nước sở tại có cho phép điều trị từ xa hay không.

Ngoài ra, chiến lược này cũng nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc y tế của Hàn Quốc thông qua các dự án hợp tác dân sự, các sự kiện quốc tế và nền tảng trực tuyến, đồng thời củng cố vị thế của dịch vụ chăm sóc y tế Hàn Quốc bằng cách mở rộng dự án 'Chia sẻ y tế', trong đó mời bệnh nhân từ các nước láng giềng, nơi có điều kiện y tế còn khó khăn, đến Hàn Quốc để điều trị miễn phí.

Mặt khác, đầu tháng 5, quận Gangnam đã bổ nhiệm tổng cộng 39 phiên dịch viên nhằm giúp khách du lịch y tế nước ngoài giao tiếp thuận lợi và chính xác hơn với các bác sĩ và y tá. Các điều phối viên có thể trợ giúp khách du lịch bằng 9 ngôn ngữ bao gồm Anh, Trung, Nhật, Nga, Mông Cổ, Tây Ban Nha, Việt Nam, Thái Lan và Ả Rập. Tính đến năm 2021, Gangnam là quận có số lượng trung tâm y tế nhiều nhất ở thủ đô Seoul với 2.790 cơ sở trong tổng số 18.261 trên toàn thành phố.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기