Kinh tế Chính trị

Liệu có phải Triều Tiên đã quá vội vàng trong quyết định phóng vệ tinh dẫn đến thất bại?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:38 01-06-2023
Triều Tiên mới đây (31/5) đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên 'Malligyeong-1 (만리경-1호)' bằng tên lửa mang vệ tinh kiểu mới 'Cheollima-1 (천리마-1형)' tại bãi phóng ở Dongchang-ri của Cheolsan-gun, tỉnh Pyongan Bắc. Tuy nhiên có suy đoán cho rằng trong quá trình tách rời giai đoạn 2, động cơ và hệ thống nhiên liệu của tên lửa đã gặp sự cố và mất lực đẩy khiến tên lửa mất đà và lao xuống Biển Tây.

 
Theo bản tin của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên ngày 17 (theo giờ địa phương), ngày 16/5/2023 Chủ tịch Kim Jong-un và con gái Kim Joo-ae đã thị sát

Theo bản tin của Đài truyền hình trung ương Triều Tiên ngày 17 (theo giờ địa phương), ngày 16/5/2023 Chủ tịch Kim Jong-un và con gái Kim Joo-ae đã thị sát "Ủy ban chuẩn bị phóng vệ tinh tạm thời" và thông qua "kế hoạch hành động tiếp theo" của ủy ban. [Ảnh=Yonhap News]

Cơ quan Phát triển Vũ trụ Quốc gia của Triều Tiên (NADA) chính thức thừa nhận sự cố phóng vào lúc 9:05 sáng cùng ngày, hai tiếng rưỡi sau khi tên lửa được phóng từ bãi phóng Dongchang-ri.

NADA cho biết, "Độ tin cậy và ổn định của hệ thống động cơ mới được giới thiệu trong 'Cheollima-1' không cao và các đặc tính của nhiên liệu được sử dụng cũng không ổn định. Các nhà khoa học, kỹ thuật viên và chuyên gia tương ứng sẽ bắt đầu làm rõ nguyên nhân cụ thể của sự cố".

Phát ngôn này cho thấy Triều Tiên thừa nhận rằng có những khiếm khuyết kỹ thuật trong động cơ mới và nhiên liệu của tên lửa 'Cheollima-1'. Điều này có thể được hiểu là Triều Tiên đã vội vàng đẩy nhanh vụ phóng khi chưa hoàn thành đầy đủ các bước chuẩn bị kỹ thuật.

Cũng có phân tích cho rằng dưới sự thúc giục của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Kim Jong-un, các bộ phận liên quan đã chịu áp lực rất lớn và không còn cách nào khác là tiến hành vụ phóng một cách vội vàng, dẫn đến thất bại. 

Các chuyên gia nhận định rằng áp lực phải tạo ra bầu không khí lễ hội "phóng vệ tinh thành công" trong nửa đầu năm trước lễ kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng (ngày ký kết hiệp định đình chiến) vào ngày 27 tháng 7.

Nghiên cứu và phát triển vệ tinh trinh sát quân sự là một trong 5 nhiệm vụ cốt lõi của kế hoạch 5 năm phát triển lực lượng phòng vệ quốc gia do Triều Tiên đề xuất vào năm 2021. Đặc biệt, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thị sát Cơ quan Phát triển Vũ trụ Quốc gia vào ngày 18/4 và chỉ thị rằng "một ủy ban chuẩn bị phóng vệ tinh lâm thời nên được thành lập để đẩy nhanh các bước chuẩn bị cuối cùng trước khi phóng và đảm bảo rằng vụ phóng vệ tinh trinh sát số 1 sẽ được thực hiện trong thời gian dự kiến.

Hong Min, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Thống nhất Hàn Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, "Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia dường như đang chịu áp lực đáng kể. Nếu công tác chuẩn bị diễn ra bình thường thì không cần thành lập ủy ban riêng (Ủy ban chuẩn bị phóng vệ tinh), việc tự ý triệu tập nhân sự để thành lập ủy ban có thể gây ra vấn đề".

Yang Moo-jin, Hiệu trưởng trường sau đại học nghiên cứu Triều Tiên, cũng cho biết: "Triều Tiên muốn xây dựng thành tích quân sự thông qua việc phóng vệ tinh do thám trong khoảng đầu tháng 6. Sau đó, khoảng giữa tháng 7 có thể tổ chức chúc mừng tại cuộc họp toàn thể của đảng, đồng thời tổ chức một cuộc duyệt binh quy mô lớn vào ngày Chiến thắng. Có lẽ Triều Tiên đang lên kế hoạch thay đổi cục diện đối thoại với cộng đồng quốc tế".

Giám đốc Hong cho biết, "Nếu vụ phóng thất bại hoặc trong nửa đầu năm không ghi nhận được kết quả gì thì sẽ dẫn đến tình trạng thành quả đoàn kết người dân sẽ được đưa ra khá muộn vào nửa cuối năm".

Đặc biệt, qua vụ phóng này, Triều Tiên đã thể hiện ý chí mong muốn có thể kỷ niệm 'kỷ nguyên Kim Jong-un' mới bằng cách đặt tên mới cho cả phương tiện phóng và vệ tinh.

Trong thời gian qua, đối với tên của các vệ tinh, Triều Tiên chủ yếu sử dụng tên gọi là "Ngân hà (은하·Eunha)" có liên quan sâu sắc đến Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Kim Jong-un và tên gọi "Quang minh tinh (광명성·Gwangmyeongseong)" liên quan tới Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Kim Jong-il.

Tuy nhiên, lần này, Triều Tiên đặt tên cho tên lửa là 'Cheollima (천리마·Thiên lý mã)', có nghĩa là 'con ngựa đi cả ngàn dặm', và vệ tinh trinh sát được đặt tên là 'Malligyeong (만리경·Kính vạn lý)', có nghĩa là 'kính thiên văn có thể nhìn xa hàng vạn dặm'.

Người ta cũng giải thích "thiên lý mã" có thể bao hàm ý nghĩa của "cuộc vận động thiên lý mã" nhắc đến phong trào quần chúng những năm 1950~1960 đã thúc đẩy nền kinh tế của Triều Tiên; còn "kính vạn lý" là một từ thường được sử dụng khi nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật mà Triều Tiên coi trọng.

Thất bại trong vụ phóng vệ tinh lần này được truyền thông Hàn Quốc phân tích là giống tình huống Triều Tiên phóng tên lửa tầm xa 'Eunha-3 (은하 3호)' trang bị vệ tinh 'Kwangmyongsong-3 (광명성 3호)' vào ngày 13/4/2012 nhưng thất bại.

Vào thời điểm đó, ngày kỷ niệm sinh thứ 100 của Chủ tịch Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) đang đến gần và Chủ tịch Kim Jong-un mới bắt đầu nắm quyền, đã có phân tích cho rằng vụ phóng diễn ra vội vàng nhằm đạt thành tích quân sự để đoàn kết nội bộ hơn là chăm chút hoàn thiện kỹ thuật một cách tỉ mỉ.

Kể từ đó, Triều Tiên đã trải qua quá trình tái tổ chức và vào tháng 12 năm đó, tám tháng sau vụ phóng Kwangmyongsong-3 đầu tiên, Kwangmyeongsong-3 số 2 lại được phóng và đã thành công trong việc đi đúng vào quỹ đạo, mặc dù vẫn chưa xác nhận được liệu vệ tinh này có hoạt động bình thường hay không.

Truyền thông Hàn Quốc cũng đưa ra nhận định rằng nhận thức về mức độ cạnh tranh của Hàn Quốc trong tiến trình phát triển không gian cũng ảnh hưởng đến việc phóng vệ tinh một cách vội vàng của Triều Tiên.

Triều Tiên chính thức công bố thời điểm phóng vệ tinh chỉ 4 ngày sau vụ phóng thành công của NURI (KSLV-II), tên lửa được phát triển độc lập ở Hàn Quốc, vào ngày 25/4.

Kể từ khi ý tưởng phát triển vệ tinh trinh sát được công bố tại Đại hội Đảng lần thứ 8 vào năm 2021, Triều Tiên đã bận rộn chuẩn bị cho vụ phóng lần này tuy nhiên kết quả là phải thông báo công khai với cộng đồng quốc tế về "thất bại".

Mặt khác, Triều Tiên dự kiến ​​sẽ tiếp tục thử lại trong thời gian tới.

NADA cho biết: "Chúng tôi sẽ điều tra và làm rõ chi tiết các sai sót nghiêm trọng, khẩn trương đưa ra các biện pháp khoa học và công nghệ để khắc phục,. Sau khi trải qua nhiều cuộc thử nghiệm từng phần khác nhau, lần phóng thứ hai sẽ được tiến hành trong thời gian sớm nhất có thể".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기