Kinh tế Chính trị

Doanh nghiệp Hàn Quốc vô cùng quan tâm tới thị trường điện gió ngoài khơi của Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)09:41 02-02-2024
Các công ty Hàn Quốc đang cho thấy nhiều động thái tích cực thâm nhập thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Thực tế Việt Nam là khu vực mà các công ty Hàn Quốc gia nhập thị trường từ rất sớm xem xét đến cả yếu tố thuận lợi về địa lý khi có thể từ Việt Nam và mở rộng khu vực kinh doanh sang Đài Loan và Úc.
 
ẢnhInternet
[Ảnh=Internet]
Theo các nguồn tin trong ngành vào ngày 31, Giám đốc điều hành LS Cable & System Koo Bon-gyu đã đến thăm Thành phố Hồ Chí Minh vào tuần trước để kiểm tra các địa điểm tiềm năng cho một nhà máy cáp ngầm mới tại Việt Nam.

Việc xây dựng nhà máy mới tại Việt Nam là phần mở rộng của "Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác kinh doanh cáp ngầm dưới biển" được ký kết giữa LS Eco Energy (công ty con của LS Cable & System, trước đây là LS Cable & System Asia) với Tổng công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) vào tháng 10/2023.

Một quan chức của ngành cáp cho biết: "Nếu các bước tiếp theo của MOU diễn ra suôn sẻ, chúng tôi sẽ chính thức thúc đẩy việc xây dựng nhà máy tại địa phương".

LS Cable & System hiện đã có nhà máy sản xuất cáp viễn thông tại Hải Phòng và TP.HCM. Để bắt kịp với công suất phát điện gió ngoài khơi ngày càng tăng của Việt Nam, kế hoạch lần này của công ty đó là xây dựng thêm một nhà máy cáp ngầm dưới biển gần nhà máy hiện có tại thành phố Hồ Chí Minh để kết nối các nhà máy điện với đất liền và giữa các nhà máy điện với nhau.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá Việt Nam là thị trường điện gió ngoài khơi đầy hứa hẹn. Trong đó, Việt Nam đang theo đuổi mục tiêu xây dựng các tổ hợp điện gió ngoài khơi có công suất khoảng 6GW vào năm 2030 và đặt mục tiêu đạt được ít nhất 70GW vào năm 2050. Chính phủ Việt Nam cũng coi việc đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo trong nước là đóng góp cho mục tiêu phát triển năng lượng thân thiện với môi trường đồng thời ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho việc này.

Thêm vào đó, Việt Nam có môi trường tự nhiên phù hợp cho việc phát triển điện gió ngoài khơi với địa hình trải dài 3.400 km từ Bắc tới Nam, có đường bờ biển dài và năng lượng gió dồi dào thổi với tốc độ trung bình hàng năm từ 8 đến 9 mét/giây. Tốc độ gió trung bình thổi ở biển Hàn Quốc là 7 mét/giây, tương đương với Việt Nam. Đây là lý do vì sao các công ty thiết bị điện gió Hàn Quốc đang dành sự quan tâm đặc biệt đến Việt Nam.

Park Ji-won Chủ tịch Doosan Energy, công ty sản xuất tua-bin điện gió và kết cấu nền điện gió ngoài khơi, trong buổi gặp gỡ các phóng viên tại Las Vegas, Mỹ nơi 'CES 2024' được tổ chức vào ngày 10/1 (theo giờ địa phương) đã cho biết, "Chúng tôi có kế hoạch ưu tiên tấn công thị trường điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, nơi có tốc độ và khối lượng gió tương tự như Hàn Quốc".

Được biết, Doosan hoạt động tích cực trong thị trường điện gió ngoài khơi Việt Nam thông qua các công ty con từ năm 2007. Chẳng hạn như CS Wind đã bắt đầu kinh doanh tháp gió tại Việt Nam chứ không phải Hàn Quốc từ năm 2003.

Doosan còn tận dụng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam để làm đầu cầu thâm nhập thị trường các khu vực khác.

Vào tháng 10 năm ngoái, SK Oceanplant đã ký thỏa thuận kinh doanh (MOU) để sản xuất các công trình điện gió ngoài khơi tại Việt Nam với Tổng công ty Ba Son & SREC có trụ sở tại Vũng Tàu, Việt Nam. Quyết định này có tính đến thực tế là Việt Nam có vị trí địa lý gần Đài Loan, nguồn xuất khẩu chính của Nhà máy SK Oceanplant và Việt Nam có thể đóng vai trò là căn cứ trong thị trường điện gió ngoài khơi ở khu vực Đông Nam Á và Úc.

Một quan chức trong ngành điện gió ngoài khơi cho biết, "Việt Nam rõ ràng là một thị trường có tiềm năng phát triển lớn. Tuy nhiên việc thiếu cơ sở hạ tầng điện, bao gồm mạng lưới truyền tải và sự bất ổn về chính sách là những vấn đề cần giải quyết".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기