Kinh tế Chính trị

Kim ngạch xuất khẩu mỳ ăn liền của Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt kỷ lục gần 600 triệu USD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:53 24-07-2024
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã đạt 590,2 triệu USD, cho thấy việc sẽ không có gì quá khó khăn để đạt được cột mốc 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
 
ẢnhBGF Retail
[Ảnh=BGF Retail]
Theo hệ thống thống kê thương mại 'K-stat' của Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA) vào ngày 24, lượng xuất khẩu mì ăn liền Hàn Quốc (còn được gọi là ramyeon hay ramyun) tích lũy tính đến tháng 6/2024 là 590,2 triệu USD, tăng 32,3% so với cùng kỳ của năm trước (446,04 triệu USD). Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu trong nửa đầu năm vượt 500 triệu USD.

Năm 2023, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đạt 952,4 triệu USD, cao nhất từ ​​trước đến nay. Xem xét xu hướng hiện nay, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 dự kiến sẽ có khả năng cao vượt mốc 1 tỷ USD. Nếu tính theo đơn vị tiền won (KRW) và cộng cả doanh thu từ các sản phẩm sản xuất và tiêu thụ ở nước ngoài tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Việt Nam thì kim ngạch dự kiến còn cao hơn, đạt gần 2.000 tỷ won.

Samyang Foods, công ty sản xuất mỳ ăn liền nổi tiếng với sản phẩm mỳ xào gà cay 'Buldak' đang ghi nhận được thành tích vô cùng tích cực với làn sóng xuất khẩu mì ăn liền gần đây. Giá cổ phiếu của công ty, vốn được duy trì ở mức thấp 100.000 won vào năm ngoái, đã tăng vọt lên mức 700.000 won vào ngày 21/6 và hiện đang được duy trì ở mức khoảng 600.000 won.

Sự phổ biến của 'Buldak' còn lan sang tới Mỹ và Châu Âu với nhu cầu vô cùng cao. Theo đó, Samyang Foods đã và đang liên tục mở rộng các kênh phân phối tại Mỹ trong đó có việc nhập hàng vào tất cả các cửa hàng của Walmart trong năm nay.

Nongshim, công ty sản xuất mì ăn liền số 1 Hàn Quốc, cũng không hề lép vế.

Nongshim đã tham gia vào các kênh phân phối lớn tại thị trường Bắc Mỹ. Nongshim Bắc Mỹ có kế hoạch mở rộng công suất sản xuất thêm gần 10% trong quý IV năm nay và tăng tỷ lệ quầy trưng bày chỉ bán mì ăn liền.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, Chủ tịch Nongshim Shin Dong-won cũng đã công bố việc xem xét xây dựng thêm nhà máy tại Hàn Quốc với hi vọng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026 để đáp ứng sản lượng xuất khẩu.

Paldo, một chi nhánh của công ty thực phẩm 'hy', đang tăng doanh số bán hàng thông qua các cơ sở sản xuất địa phương thay vì xuất khẩu. Với việc hoàn thành nhà máy thứ hai tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua, công ty đã sở hữu công suất sản xuất 700 triệu sản phẩm mì ăn liền mỗi năm. Paldo cho biết dự định sử dụng cơ sở này để mở rộng kênh bán hàng sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan và Úc.

Một quan chức trong ngành cho biết, "Mỹ và Châu Âu, nơi gần đây K-ramen vô cùng phổ biến, có vật giá cao hơn so với các nước xuất khẩu hiện tại nên giá bán trung bình (Average Selling Price·ASP) cũng cao hơn. Nếu các công ty tiếp tục mở rộng được các kênh phân phối của thì sự tăng trưởng của xuất khẩu mì ăn liền vẫn sẽ giữ được sự ổn định ở thời điểm hiện tại".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기