Đời sống Xã hội

Hàn Quốc là quốc gia trả lương cao nhất cho lao động Việt Nam

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:39 04-11-2024

Kết quả khảo sát của Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) cho thấy trong số lao động Việt Nam làm việc trên toàn thế giới, thu nhập của lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc là cao nhất.
 

ẢnhTTXVN
[Ảnh=TTXVN]

Ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với IOM tổ chức Hội thảo công bố "Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023" trong đó khảo sát mức thu nhập của người lao động Việt Nam làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới từ năm 2017 đến năm 2023.

Theo hồ sơ, mức thu nhập của lao động Việt Nam có sự khác biệt lớn giữa các thị trường trọng điểm. Cụ thể, thu nhập của lao động tại Hàn Quốc cao nhất, dao động từ 1.600-2.000 USD mỗi tháng (khoảng 2,2 triệu đến 2,75 triệu won).

Con số này cao hơn khoảng 33% so với mức 1.200 đến 1.500 USD mỗi tháng (khoảng 1,65 triệu đến 2,06 triệu won) của lao động Việt Nam ở Nhật Bản, quốc gia trả lương cho lao động Việt Nam cao thứ 2.

'Đài Loan và một số nước châu Âu' xếp ở vị trí thứ 3 với mức lương 1 tháng dao động từ 800 đến 1.200 USD. Theo sau là 'Malaysia và các nước Trung Đông' với mức lương 400 đến 1.000 USD mỗi tháng.

Trong thời gian từ năm 2017~2023 có khoảng 650.000 lao động Việt Nam đã làm việc ở nước ngoài tại 40 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới và chuyển về quê hương từ 3,5 tỷ đến 4 tỷ USD.

Xét theo quốc gia, số lượng lao động Việt Nam ở Nhật Bản luôn duy trì mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp, tiếp theo là Hàn Quốc và Đài Loan. Số lượng lao động Việt Nam cũng tăng đáng kể ở Úc, New Zealand, Đức và Hungary.

Khoảng 80% lao động Việt Nam ở nước ngoài làm việc trong các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may và giày dép, xây dựng, nông nghiệp và đánh cá, giúp việc nhà, chăm sóc người già và bệnh nhân.

Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng những người lao động có tay nghề cao như quản lý và kỹ sư cũng ra nước ngoài để có thu nhập tốt hơn và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Báo cáo cho biết lao động phổ thông của Việt Nam được biết đến là những người chăm chỉ và dễ thích nghi. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng có nhiều lao động vượt quá thời hạn hợp đồng và làm việc bất hợp pháp, điều này đang cản trở những người đi sau có được cơ hội làm việc ở nước ngoài.

Ông Lê Hoàng Hà, chuyên viên Phòng Pháp chế -Tổng hợp, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam, cho biết, ở nhiều nước phát triển, công việc phổ thông đang bị robot thay thế và lao động Việt Nam cần được đào tạo kỹ thuật, ngôn ngữ để gia tăng sức cạnh tranh.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기