Kinh tế Chính trị

GDP năm 2023 của Hàn Quốc đạt 1,4%…Thấp nhất trong 3 năm kể từ khi Covid-19 xuất hiện

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:18 25-01-2024
Năm ngoái, nền kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng 1,4%. Mặc dù mức tăng trưởng này đạt được mức dự báo của Ngân hàng Hàn Quốc và chính phủ tuy nhiên lại đánh dấu là mức thấp nhất trong 3 năm kể từ năm 2020 khi Covid-19 xuất hiện. Lý do chủ yếu dẫn đến kết quả này được các chuyên gia phân tích là do tiêu dùng tư nhân bị đè nặng bởi lãi suất và giá cả cao cũng như sự phục hồi chậm của ngành công nghệ thông tin (CNTT).
 
Cảng Busan ẢnhYonhap News
Cảng Busan. [Ảnh=Yonhap News]
Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) ngày 25 đã công bố tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế (so với quý trước, giá trị sơ bộ) quý IV/2023 là 0,6%.

Tốc độ tăng trưởng hàng quý (so với quý trước) ghi nhận tăng trưởng âm trong quý IV/2022 (-0,3%) cùng với xuất khẩu giảm mạnh, nhưng đã phục hồi và duy trì mức tăng trưởng dương trong 4 quý liên tiếp từ quý I/2023 (0,3%), quý II (0,6%), quý III (0,6%) và quý IV (0,6%).

Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của năm 2023 đã đạt 1,4%. Mặc dù con số này trùng với dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm của BoK và chính phủ Hàn Quốc nhưng đây là mức thấp nhất trong 3 năm kể từ năm 2020 (-0,7%), năm đầu tiên xảy ra đại dịch Covid-19.

Nếu loại trừ giai đoạn COVID-19, đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2009 (0,8%) trong cuộc khủng hoảng tài chính.

Shin Seung-cheol, Giám đốc Cục Thống kê Kinh tế Ngân hàng Hàn Quốc, giải thích: "Do tiêu dùng tư nhân và tăng trưởng xuất khẩu chậm lại do lạm phát và lãi suất cao cùng với việc phục hồi chậm chạp của nền kinh tế CNTT, tốc độ tăng trưởng của Hàn Quốc trong năm ngoái chỉ dừng ở mức 1,4%".

"Yếu tố lớn nhất dẫn đến sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng là những thay đổi về nhân khẩu học như tỷ lệ sinh thấp và già hóa, bên cạnh đó còn có các vấn đề như năng suất giảm, phải liên tục cạnh tranh với Trung Quốc và Ấn Độ, tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu và các vấn đề về biến đổi khí hậu. Các thực thể kinh tế, bao gồm cả chính phủ, cần phải nỗ lực hơn nữa nếu muốn giảm bớt sự suy giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng", Giám đốc Shin nhấn mạnh.
 
Xu hướng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm ẢnhNgân hàng Hàn Quốc
Xu hướng tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội hàng năm. [Ảnh=Ngân hàng Hàn Quốc]
Xem xét tốc độ tăng trưởng quý IV năm ngoái theo ngành, trước hết, trong trường hợp tiêu dùng cá nhân, mặc dù tiêu dùng hàng hóa giảm nhưng chi tiêu tiêu dùng của người dân ở nước ngoài vẫn tăng 0,2%.

Tiêu dùng của chính phủ cũng tăng 0,4%, chủ yếu nhờ các lợi ích an sinh xã hội bằng hiện vật như phúc lợi bảo hiểm y tế và giá thành sản phẩm. Đầu tư cơ sở vật chất cũng tăng 3,0% nhờ hoạt động thuận lợi của thiết bị vận tải.

Xuất khẩu tăng 2,6% nhờ sự phục hồi của chất bán dẫn; nhập khẩu tăng 1,0%, tập trung vào các sản phẩm dầu mỏ.

Tuy nhiên, đầu tư xây dựng lại giảm 4,2% do cả xây dựng tòa nhà và công trình dân dụng đều giảm.

Mặt hàng đóng góp nhiều nhất vào tốc độ tăng trưởng trong quý IV là xuất khẩu ròng (giá trị xuất khẩu - giá trị nhập khẩu, 0,8%p). Bên cạnh đó đầu tư cơ sở vật chất (0,3%p), tiêu dùng tư nhân (0,1%p) và tiêu dùng chính phủ (0,1%p) cũng ghi nhận kết quả khả quan. 

Ngược lại, đầu tư xây dựng làm giảm tốc độ tăng trưởng 0,7%p.

Tốc độ tăng trưởng theo ngành được tính là 11,1% đối với ngành điện, khí đốt và nước; 1,1% đối với ngành sản xuất và 0,6% đối với ngành dịch vụ.

Nông, lâm nghiệp và thủy sản (-6,1%) và xây dựng (-3,6%) đều ghi nhận tăng trưởng âm.

BoK giải thích rằng sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành điện, khí đốt và nước là do tỷ lệ nhà máy điện hạt nhân trong các công ty điện lực tăng lên và hiệu suất phát điện được cải thiện.

Trong quý IV năm ngoái, tốc độ tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDI) thực tế là 0,4%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP thực tế (0,6%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDI thực tế hàng năm của cả năm ngoái (1,4%) bằng với tốc độ tăng trưởng GDP thực tế (1,4%), với điều kiện thương mại vẫn ở mức tương tự như năm 2022.

Về triển vọng kinh tế năm nay, Giám đốc Shin cho biết: "Nhu cầu trong nước trì trệ sẽ tiếp tục là yếu tố kéo giảm tăng trưởng lớn nhất và sự cải thiện trong xuất khẩu sẽ đóng vai trò là yếu tố tăng trưởng. Nhìn chung, nền kinh tế sẽ duy trì xu hướng cải thiện và cho thấy tốc độ tăng trưởng ở mức thấp 2%".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기