Kinh tế Chính trị

Kinh tế ảm đạm khiến các mặt hàng PB "giá rẻ" bán chạy…Thị trường tăng trưởng 12% sau 1 năm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:33 14-02-2024
Năm ngoái, do kinh tế suy thoái và lạm phát cao, doanh số bán sản phẩm mang thương hiệu riêng (PB) của các nhà phân phối tại Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể.
 
Các sản phẩm No Brand dòng sản phẩm PB của E-mart ẢnhYonhap News
Các sản phẩm 'No Brand', dòng sản phẩm PB của E-mart. [Ảnh=Yonhap News]
Vào ngày 14, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc đã công bố kết quả phân tích dữ liệu bán hàng trong một năm từ quý IV/2022 đến quý III/2023 tại khoảng 6.500 cửa hàng bán lẻ ngoại tuyến thông qua cơ quan nghiên cứu thị trường toàn cầu Nielsen IQ (NIQ).

PB viết tắt của 'Private Brand' là hàng hóa được sản xuất và bán dưới tên của một nhà bán lẻ cụ thể, cạnh tranh với các sản phẩm có thương hiệu. Thông thường PB sẽ là sản phẩm được nhà phân phối hợp tác với bên sản xuất để tạo ra và sau đó tung ra dưới thương hiệu riêng của mình, từ đó giảm chi phí tiếp thị, phân phối và hạ giá tiêu dùng. Các ví dụ tiêu biểu bao gồm 'No Brand' của E-Mart, 'Only Price' của Lotte và 'You Us' của GS25.

Theo kết quả khảo sát, quy mô thị trường sản phẩm PB tại Hàn Quốc năm 2023 đã tăng 11,8% so với năm trước đó. Con số này cao hơn khoảng 6 lần nếu so với tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nói chung, vốn chỉ tăng 1,9% trong cùng kỳ.

Tốc độ tăng trưởng thị trường PB theo lĩnh vực là 7,4% đối với lĩnh vực phi thực phẩm và 12,4% đối với lĩnh vực thực phẩm.

Khi giá cả tăng cao, người tiêu dùng có xu hướng giảm việc mua sắm các sản phẩm không cần thiết, thay vào đó sẽ chọn mua các sản phẩm PB có giá thành rẻ và chất lượng tương đối ổn.

Hoạt động kinh doanh trực tiếp có tỷ trọng PB lớn nhất so với tổng doanh thu là tại các đại siêu thị với 8,7%. Tiếp theo là siêu thị của các doanh nghiệp ở mức 5,3% và cửa hàng tiện lợi ở mức 4,1%.

Tốc độ tăng trưởng doanh thu PB hàng năm cao nhất với 19,3% được ghi nhận ở cửa hàng tiện lợi, tiếp theo là 10,3% đối với đại siêu thị và 5,7% đối với siêu thị của doanh nghiệp.

Đặc biệt, khi các sản phẩm PB bữa ăn tiện lợi (home meal replacement·HMR) của nhà phân phối trở nên phổ biến, doanh số PB của canh, súp hay món hầm ăn liền cũng đã vượt qua doanh số của các sản phẩm thương hiệu của nhà sản xuất.

Trong trường hợp canh ăn liền, tỷ trọng doanh số bán PB đạt 82,2% tại các cửa hàng tiện lợi; 69,1% tại các đại siêu thị và 51,9% tại siêu thị của doanh nghiệp.

Tính đến quý III/2023, tỷ trọng doanh số bán PB trên thị trường hàng tiêu dùng tổng thể của Hàn Quốc là 4%. Xét theo lĩnh vực thì thực phẩm chiếm 3,9% còn phi thực phẩm chiếm 4,6%.

Jang Geun-tae, người đứng đầu Cơ quan Xúc tiến Phân phối và Hậu cần của Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, giải thích: "Ở châu Âu, thị trường sản phẩm mang thương hiệu riêng (PB) đã phát triển đáng kể do các mô hình tiêu dùng thực tế đã được thiết lập trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế thấp. Sự phát triển của thị trường này tại Hàn Quốc gần đây cũng cho thấy xu hướng tương tự. Xét đến thị phần PB trung bình trong ngành phân phối toàn cầu là 21%, thị trường nội địa dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, vì vậy các nhà phân phối cần củng cố hơn nữa dòng sản phẩm thương hiệu của riêng mình".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기