Kinh tế Chính trị

Ngành đầu tư chip bán dẫn tiếp tục tăng trưởng tích cực…Hàn Quốc dẫn đầu thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:27 13-01-2022
Theo ngành công nghiệp liên quan ngày 12, Hiệp hội Vật liệu và Thiết bị Bán dẫn Quốc tế (SEMI) ước tính chi tiêu trên toàn cầu cho thiết bị sản xuất chip bán dẫn sẽ tăng 10% so với năm trước, đạt 98 tỷ USD, con số lớn nhất từ trước tới nay.

 

Hiện trạng đầu tư thiết bị bán dẫn theo năm. [Ảnh=Hiệp hội Vật liệu và Thiết bị Bán dẫn Quốc tế (SEMI)]


Theo ước tính của Hiệp hội Vật liệu và Thiết bị Bán dẫn Quốc tế, lượng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn tăng 17% vào năm 2020 và 39% vào năm 2021. Nếu tình hình năm nay tiếp tục khả quan, đồng nghĩa với việc số tiền đầu tư trong lĩnh vực này tiếp tục tăng trong vòng ba năm liên tiếp kể từ năm 2020.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành SEMI Ajit Manocha nêu rõ: "Ngành công nghiệp thiết bị bán dẫn đã ghi nhận một giai đoạn tăng trưởng chưa từng có với mức chi tiêu tăng trong 6 trong số 7 năm qua trong bối cảnh các nhà sản xuất chip tăng hoạt động sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trên thế giới về một loạt các công nghệ mới nổi, trong đó có trí tuệ nhân tạo, máy tự động và máy tính lượng tử."

Theo lĩnh vực, đầu tư vào lĩnh vực xưởng đúc (foundry: sản xuất ký gửi chất bán dẫn) dự kiến ​​sẽ tăng 13% so với năm trước, chiếm 46% tổng vốn đầu tư thiết bị bán dẫn trong năm nay.

Lĩnh vực bộ nhớ (memory) được phân tích là chiếm 37% tổng đầu tư thiết bị trong năm nay, và trong số đó, đầu tư vào DRAM dự kiến ​​sẽ giảm so với năm trước, nhưng ngược lại, đầu tư vào NAND flash lại tăng.

Theo khu vực, dự kiến ​​đầu tư thiết bị bán dẫn sẽ lớn nhất ở Hàn Quốc trong năm nay, tiếp theo là Đài Loan và Trung Quốc. Hiệp hội dự đoán rằng Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc sẽ chiếm 73% tổng vốn đầu tư toàn cầu.

Đầu tư vào Hàn Quốc và Đài Loan dự kiến ​​sẽ tăng lần lượt 14% so với năm trước, trong khi đầu tư vào Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm 20% so với năm trước. 

Tháng 11/2021, Samsung, nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới, thông báo sẽ đầu tư 17 tỷ USD xây dựng một nhà máy mới sản xuất chip bán dẫn ở Taylor, bang Texas (Mỹ), nhằm tăng sản lượng trong bối cảnh thiếu chip trên toàn cầu.

Nhà máy này sẽ được khởi công trong nửa đầu năm nay và dự kiến đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024.

Hai tháng trước đó, hãng Intel (Mỹ) đã động thổ xây dựng hai nhà máy ở bang Arizona và đang khảo sát địa điểm xây dựng một nhà máy đóng gói sản phẩm bán dẫn.

Trong khi đó, hãng sản xuất chất bán dẫn Đài Loan đang xây dựng một nhà máy ở bang Arizona và được cho là đang xem xét xây thêm các nhà máy sản xuất ở Mỹ.

 

[Ảnh=Reuters]

 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기