Kinh tế Chính trị

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP ở Hàn Quốc vượt 100%…Đứng đầu thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:37 08-06-2022
Lo ngại về 'quả bom nợ' trong thời kỳ tăng lãi suất
Xét về quy mô nền kinh tế, Hàn Quốc có tỷ lệ nợ hộ gia đình cao nhất trong số 36 quốc gia lớn trên thế giới. Hơn nữa, khi cuộc khủng hoảng COVID-19 đã dần bước qua giai đoạn đỉnh điểm và kỷ nguyên lãi suất thấp kết thúc, trong khi tại các quốc gia lớn như Hoa Kỳ, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP đã giảm hơn 4 điểm phần trăm so với một năm trước đó, thì tại Hàn Quốc lại chỉ giảm 0,7 điểm phần trăm. Đây chính là lý do tại sao có nhiều ý kiến lo ngại rằng tỷ lệ nợ hộ gia đình ở mức cao của Hàn Quốc có thể trở thành một yếu tố cản trở nền kinh tế của quốc gia này.

Theo Báo cáo Nợ Thế giới của Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF) ngày 6, tính đến quý I/2022, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc là 104,3%, cao nhất trong số 36 quốc gia được khảo sát. Tiếp theo là Lebanon (97,8%), Hồng Kông (95,3%), Thái Lan (89,7%), Vương quốc Anh (83,9%) và Hoa Kỳ (76,1%). Đặc biệt, Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có quy mô nợ hộ gia đình lớn hơn quy mô nền kinh tế.

Ngay cả so với một năm trước, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang còn nghiêm trọng trên toàn cầu, tốc độ tăng trưởng cho vay vẫn chưa cho thấy xu hướng giảm một cách rõ rệt. Trong quý đầu tiên, tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Hàn Quốc chỉ thấp hơn 0,7 điểm phần trăm so với năm 2021 (103,6%). Con số này là quá nhỏ nếu so với mức giảm hơn 4 điểm phần trăm ở các nước lớn như Vương quốc Anh (-7,2 điểm phần trăm), Hoa Kỳ (-4,7 điểm phần trăm) và Nhật Bản (-4,6 điểm phần trăm).

 

Tình trạng nợ theo khu vực trên thế giới [Ảnh=Hiệp hội Tài chính Quốc tế (IIF)]

 
Nguyên nhân của nợ hộ gia đình ở Hàn Quốc là do 'giá nhà tăng'
Nhiều chuyên gia cho rằng lý do khiến nợ hộ gia đình tăng cao và không có dấu hiệu giảm bớt đáng kể là bởi nhu cầu mua nhà.

Lee In-ho, giáo sư kinh tế tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết "Năm ngoái, chính phủ đã thắt chặt các quy định về bất động sản như DSR (Debt Service Ratio: Tỷ lệ hoàn trả tổng số tiền nợ gốc), nhưng nhu cầu về bất động sản bao gồm mua căn hộ vẫn giữ trạng thái ổn định. Giá nhà tăng đã đóng vai trò như một "bao cát" làm chậm lại xu thế giảm nợ của các hộ gia đình."

Seong Tae-yoon, giáo sư kinh tế tại Đại học Yonsei, cũng cho biết "Nếu giá nhà không ổn định, việc ngăn chặn sự gia tăng nợ hộ gia đình là điều không dễ dàng."

Nợ hộ gia đình, vượt quá quy mô nền kinh tế trong thời kỳ tăng lãi suất, là quả bom hẹn giờ của nền kinh tế. Những người mua nhà bằng hình thức đi vay đang phải chịu gánh nặng lãi suất ngày một lớn do lãi suất cho vay tăng. Thêm vào đó, tiêu dùng co lại do gánh nặng nợ nần có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK), lãi suất cho vay hộ gia đình bình quân tại các ngân hàng tiền gửi trong tháng 4 là 4,05%/năm, cao nhất kể từ tháng 3/2014 (4,09%/năm). Điều này là do ảnh hưởng của việc BoK đã tăng lãi suất cơ bản thêm tổng cộng 1,25 điểm phần trăm chỉ trong 10 tháng kể từ tháng 8/2021. Theo phân tích của BoK, cứ tăng 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, gánh nặng lãi suất của các hộ gia đình lại tăng thêm 3 nghìn tỷ won một năm.
 
Tốc độ tăng nợ doanh nghiệp chỉ đứng sau Việt Nam
Nợ doanh nghiệp cũng là một mối đe dọa đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Điều này là do nếu xét về quy mô nền kinh tế, tỷ lệ nợ và tốc độ tăng trưởng của các công ty Hàn Quốc đều đứng đầu.

Theo IIF, tỷ lệ nợ trên GDP của các công ty phi tài chính Hàn Quốc là 116,8% trong quý I/2022. Xếp trên Hàn Quốc lần lượt là Nhật Bản (118,7%), Việt Nam (140,2%), Trung Quốc (156,6%), Singapore (163,7%), Lebanon (223,6%) và Hong Kong (281,6%). Đặc biệt, tỷ lệ nợ của các công ty Hàn Quốc tăng 5,5 điểm phần trăm trong một năm, mức tăng lớn thứ hai chỉ sau Việt Nam (10,9 điểm phần trăm).

Việc Chính phủ thực hiện các biện pháp gia hạn nợ vay, hoãn trả nợ gốc và lãi vay đối với các DNVVN và chủ doanh nghiệp nhỏ sẽ kết thúc vào tháng 9 cũng là một yếu tố làm dấy lên lo ngại về khả năng mất khả năng thanh toán khoản vay. Sau khi các biện pháp hỗ trợ kết thúc chắc chắn sẽ xuất hiện không ít các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người lao động tự do không trả được nợ. Theo các cơ quan tài chính, số dư của khoản vay đạt 133,4 nghìn tỷ won (704.000 trường hợp) vào cuối tháng Giêng.

Nhiều ý kiến ​​cho rằng cần phải có những biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng các khoản nợ trở thành 'quả bom nợ'.

Ha Jun-kyung, giáo sư kinh tế tại Đại học Hanyang, cho biết "Các cơ quan tài chính cần một giải pháp thay thế để thị trường bất động sản ổn định về mặt tâm lý và các khoản vay hộ gia đình có thể tiếp tục giảm. Đặc biệt, cần thảo luận chính sách xung quanh việc điều chỉnh nợ của các cá nhân và doanh nghiệp tư nhân trong thời kỳ tăng lãi suất."

 

Hàn Quốc vẫn đứng đầu thế giới về tỷ lệ nợ hộ gia đình tính theo phần trăm GDP. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기