Kinh tế Chính trị

KCCI cảnh báo 'kinh tế lao dốc'…Lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong quý II cao kỷ lục

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:33 16-09-2022
Sự gia tăng nhanh chóng của hàng tồn kho doanh nghiệp gần đây cho thấy khả năng xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế toàn diện hơn là một sự điều chỉnh tạm thời do các yếu tố bên ngoài.

 

Tỷ lệ tăng/giảm chỉ số sản xuất-xuất kho-tồn kho hàng quý [Ảnh=KCCI]


Vào ngày 16, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) đã công bố một báo cáo có tiêu đề 'Đánh giá tình hình kinh tế gần đây dựa trên các hoạt động của doanh nghiệp'.

Theo báo cáo, tốc độ tăng của chỉ số tồn kho ngành sản xuất trong quý II năm nay là 18,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Xét về số liệu hàng quý, đây là mức tăng cao nhất trong 26 năm kể từ quý II/1996 (22,0%), thời điểm ngay trước cuộc khủng hoảng tài chính 1997.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) cho biết "Hàng tồn kho có xu hướng tăng và giảm theo biến động kinh tế, nhưng mức tăng hàng tồn kho trong 4 quý gần đây được thấy là tương đối bất thường sau khi chạm đáy vào quý II/2021. Đây là lần đầu tiên sau 4 năm kể từ năm 2017, chỉ số hàng tồn kho tăng liên tục trong một thời gian dài.

Theo quy mô công ty, tỷ lệ thay đổi trong chỉ số hàng tồn kho của các công ty lớn tăng vọt từ -6,4% trong quý II/2021 lên 22,0% trong quý II năm nay.

Trong cùng kỳ, tỷ lệ tăng/giảm của chỉ số hàng tồn kho của các DNVVN cũng tăng với mức 5,8% từ 1,2% lên 7,0%.

Trên thực tế, theo kết quả phân tích của KCCI về báo cáo tài chính hàng quý của các doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán (khoảng 1.400 công ty), giá trị tài sản tồn kho của các tập đoàn lớn lên tới 61.477 tỷ won vào quý II/2021. Trong quý 2 năm nay, con số này đã tăng lên 89.103 tỷ won.

Trong cùng thời kỳ, chỉ số tồn kho của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng từ 7.437 tỷ won lên 9.501 tỷ won.

Trong toàn bộ lĩnh vực sản xuất, tài sản hàng tồn kho trong quý 2 năm nay tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo ngành, 'sản phẩm từ khoáng phi kim loại' (79,7%), 'than cốc, than bánh và các sản phẩm lọc dầu' (64,2%), 'sản xuất bộ phận điện tử / máy tính / video / âm thanh / truyền thông' (58,1%), 'kim loại nguyên sinh (primary metal)' (56,7%) có mức độ gia tăng tỷ lệ tài sản tồn kho.

Đặc biệt, đối với ngành sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính, hình ảnh, âm thanh và thiết bị truyền thông, tỷ trọng hàng tồn kho trong ngành sản xuất tăng từ 24,7% trong quý II năm ngoái lên 27,9% trong quý II Năm nay.

Theo KCCI, lượng hàng tồn kho tăng mạnh dường như là do các công ty đã tăng nguồn cung từ nửa cuối năm ngoái như một biện pháp đối phó đặc biệt đối với COVID-19. Ngoài ra, do giá dầu và nguyên liệu quốc tế tăng vọt, lượng nguyên vật liệu thô đã được đảm bảo nhiều hơn so với bình thường. Thêm vào đó việc vận chuyển thành phẩm cũng bị trì hoãn do gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

KCCI chỉ ra rằng "Vấn đề là nhu cầu toàn cầu đang nhanh chóng bị thu hẹp do chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ, lạm phát toàn cầu và việc Mỹ liên tục tăng lãi suất."

 

[Ảnh=Getty Images Bank]


Dường như phản ánh sự suy giảm nhu cầu, chỉ số sản xuất chế tạo và chỉ số xuất kho cũng đã ghi nhận giảm trong quý thứ 4 liên tiếp.

Điều đáng chú ý là lượng hàng xuất kho có mức độ giảm lớn hơn lượng hàng sản xuất.

KCCI cho biết: "Điều này cho thấy các công ty đang có những phương án chuẩn bị thái quá và không linh hoạt trong việc điều chỉnh lượng hàng sản xuất mặc dù doanh số bán hàng đang chững lại. Từ cuối quý II, các công ty đã điều chỉnh một phần sản xuất, nhưng hàng tồn kho vốn đã neo ở mức cao nên xu hướng giảm tỷ lệ sản xuất sẽ tiếp tục được thực hiện từ quý III."

Khi các công ty giảm tỷ lệ sử dụng nhà máy, sẽ không tránh khỏi tình trạng tạo ra một bộ phận nhân lực nhàn rỗi. Điều này rất có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn là hạn chế tuyển dụng và thu hẹp quy mô đầu tư các trang thiết bị mới.

KCCI cho biết "Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đang chậm lại và thâm hụt thương mại ngày càng sâu sắc do các điều kiện bên ngoài ngày càng xấu đi. Vai trò của các cơ quan quản lý chính sách trong nửa cuối năm nay trở nên rất quan trọng vì nó có thể dẫn đến sự sụt giảm mạnh sản xuất trong tình hình hàng tồn kho của doanh nghiệp đang tăng nhanh."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기