Nhân kỷ niệm 30 Việt Nam - Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao (22/12/1992 – 22/12/2022), ngày 21 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Hàn Quốc và Học viện Ngoại giao Hàn Quốc đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: 30 năm nhìn lại và định hướng phát triển trong bối cảnh mới".
Hội nghị có sự góp mặt của Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Hong Hyun-ik Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA); Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam bà Oh Young-ju cũng như gần 500 đại biểu của cả Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội thảo nhằm nhìn lại, đánh giá kết quả của 30 năm quan hệ giữa hai quốc gia trên các phương diện kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội, thể thao, du lịch, an ninh, quốc phòng... tạo diễn đàn để các nhà khoa học Việt Nam, Hàn Quốc cũng như các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi, thảo luận để làm rõ những thành tựu, kết quả tích cực; là diễn đàn để trao đổi, thảo luận làm rõ định hướng phát triển tiếp theo trong bối cảnh mới của quan hệ giữa hai quốc gia. Trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp khắc phục những tồn tại, phát huy những thành tựu để quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được tiếp tục vun đắp và phát triển trong những năm sắp tới cũng như để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Hàn Quốc xác định những lĩnh vực trọng tâm, cốt lõi để phát huy tối đa tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Hội thảo được tổ chức thành 02 phiên (phiên toàn thể và phiên chuyên đề) với 03 nhóm nội dung thảo luận chính: Quan hệ hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng; Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; Quan hệ hợp tác văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, báo chí truyền thông, du lịch, đối ngoại nhân dân. Mỗi phiên có những báo cáo tham luận và thảo luận bàn tròn giữa các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, nhìn lại 30 năm qua, vượt qua những biến động của tình hình thế giới và khu vực, những thăng trầm của bối cảnh lịch sử, những khác biệt, rào cản đã từng ngăn trở quan hệ hai nước trong quá khứ, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã không ngừng phát triển, trở thành hình mẫu cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Đông Á và sự hợp tác thành công chưa từng có. Chưa đầy 10 năm sau ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, đến năm 2001, quan hệ giữa hai nước đã được nâng tầm thành Quan hệ đối tác toàn diện; đến năm 2009 đã trở thành Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược, với đà phát triển ngày càng mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh tới ba hình mẫu tiêu biểu góp phần toả sáng mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Đó là: Hình mẫu của quan hệ chiến lược dựa trên sự tin cậy chân thành chính là nhân tố quyết định để quan hệ hai nước thích ứng, vượt qua những tác động tiêu cực, khó khăn và tiếp tục vững vàng phát triển trong một thế giới thay đổi nhanh chưa từng thấy, có nhiều bất định, bất ổn, những tình huống đảo chiều, đột biến và rủi ro khó lường; Hình mẫu của mối quan hệ kinh tế năng động, bền vững, tiên phong trong đổi mới sáng tạo là trụ cột và điểm sáng nổi bật trong mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng hợp tác kinh tế còn rất lớn giữa hai nước, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, một mặt, cần khắc phục tình trạng mất cân đối trong quan hệ thương mại, mặt khác, phải đặc biệt chú trọng thúc đẩy nhiều lĩnh vực có thể mang đến những đột phá phát triển như tăng cường chia sẻ tri thức, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy quá trình tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia ở những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu; Hình mẫu của sự giao lưu nhân dân đặc biệt gắn bó biểu hiện ở nhiều người Hàn Quốc đã thật sự coi Việt Nam là quê hương thứ hai của mình và đó cũng là tình cảm yêu quý mà nhiều người Việt Nam dành cho đất nước Hàn Quốc tươi đẹp. Đây là cầu nối vững bền để hai nước tiếp tục vun đắp cho mối quan hệ gắn bó đặc biệt, hiếm có trong tương lai.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Oh Youngju cho rằng, Chính phủ hai nước từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao cho đến nay đã luôn nhất quán trong quan điểm coi hai nước là những đối tác quan trọng. Theo Đại sứ, tại Hàn Quốc, kể từ Tổng thống Kim Young-sam năm 1996, tất cả 6 Tổng thống đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam vào đầu nhiệm kỳ. Đây là một ví dụ rất hiếm, thể hiện rõ rằng tất cả các nhà lãnh đạo Hàn Quốc đều coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu. Việt Nam cũng vậy. Từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, các Lãnh đạo Việt Nam như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đều đến thăm Hàn Quốc, điều này thể hiện rõ Việt Nam duy trì chính sách nhất quán trong quan hệ với Hàn Quốc.
Chia sẻ quan điểm của GS.TS Nguyễn Xuân Thắng và Đại sứ Oh Young-ju, ông Hong Hyun-ik, Giám đốc Học viện Ngoại giao Hàn Quốc (KNDA) cho rằng, Việt Nam và Hàn Quốc là hai nước khá tương đồng. Quy mô quốc gia tương tự nhau, cùng nhau có mục tiêu chung là hướng đến phát triển và hòa bình chung của khu vực châu Á cũng như trên toàn thế giới. Hai nước đang có nhiều điều kiện nền tảng thuận lợi để tăng cường hợp tác song phương như sự tương đồng về văn hóa, nho giáo, coi trọng giáo dục, sự cần cù của người dân, văn hóa ăn uống sử dụng đũa, văn hóa tâm linh, sự gắn bó, coi trọng gia đình. Vì vậy, cần nỗ lực nhiều hơn trong sự phát triển song phương hướng tới nâng cấp lên quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Nhân dân hai nước cũng cần có sự hợp tác và hiểu biết lẫn nhau hơn nữa. "Tôi rất kì vọng vào thế hệ trẻ hai nước kết hợp với nhau và đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác để thúc đẩy quan hệ song phương", Giám đốc Hong phát biểu.