VIỆT NAM

Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Việt Nam: "Quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:50 01-07-2024
Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024 là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi Việt Nam và Hàn Quốc nhất trí nâng cấp mối quan hệ thành Đối tác chiến lược toàn diện tháng 12/2022. Nhân dịp này, Kinh Tế AJU đã có một cuộc phỏng vấn bằng văn bản với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ về các nội dung liên quan đến chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng.
 
Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Nguyễn Minh Vũ ẢnhTTXVN
Thứ trưởng thường trực Bộ ngoại giao Nguyễn Minh Vũ. [Ảnh=TTXVN]

Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Câu hỏi 1: Việt Nam và Hàn Quốc duy trì mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, khăng khít trong hơn 30 năm qua. Tháng 12/2022, hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Xin Ông đánh giá về những cột mốc mà hai nước đạt được trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc? Và mối quan hệ này sẽ phát triển như thế nào trong những năm tới đây?

― Sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất. Việc hai bên nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là sự phát triển tất yếu, không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị của lãnh đạo hai nước trong việc thúc đẩy quan hệ lên tầm cao mới mà còn sự phát triển vượt bậc của mối quan hệ này.

Tin cậy chính trị được củng cố, giao lưu, tiếp xúc cấp cao, các cấp được thúc đẩy thường xuyên. Hai bên triển khai hiệu quả nhiều cơ chế hợp tác chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng đến kinh tế từ cấp thứ trưởng đến cấp Phó thủ tướng.

Hợp tác thương mại và đầu tư phát triển khởi sắc, hai bên tiếp tục duy trì vị trí đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của nhau trong nhiều năm qua. Về đầu tư, Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đăng ký lũy kế đạt 87 tỷ USD, chiếm hơn 18% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam; có gần 10 nghìn dự án còn hiệu lực, chiếm 25% tổng số dự án FDI.

Hợp tác lao động và giao lưu du lịch cũng phát triển mạnh mẽ. Phía Hàn Quốc đã tăng hạn ngạch năm 2024 đối với lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS) lên 13% so với năm 2023. Hợp tác du lịch phục hồi mạnh mẽ với lượng khách du lịch giữa hai bên trong năm 2023 đạt hơn 4 triệu lượt người đưa Hàn Quốc thành thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Hàn Quốc tiếp tục duy trì vị trí số một với 1,6 triệu lượt người, chiếm 25,8% tổng lượng khách quốc tế vào Việt Nam.

Hợp tác giữa các địa phương tiếp tục triển khai sự tương đồng văn hóa lịch sử, gắn bó lợi ích giữa hai nước có hiệu quả. Đến nay đã có khoảng 70 cặp địa phương hai nước thiết lập quan hệ, qua đó đóng góp tích cực và hiệu quả vào mối quan hệ song phương.

Trên cơ sở những nền tảng hợp tác vững chắc đó, những chuyển đổi địa kinh tế, địa chính trị và công nghệ quan trọng hiện nay và đặc biệt tiềm năng phát triển to lớn của hai nước, trong 20 hay 30 năm tới, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay. Đó chính là thông điệp và mục tiêu chính của chuyến thăm chính thức Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Chuyến thăm sẽ góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước Việt Nam và Hàn Quốc, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Câu hỏi 2: Ông đánh giá như thế nào về hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc? Gần đây, truyền thông Việt Nam đưa tin hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 150 tỷ USD vào năm 2030, xin cho biết hai nước có thể thực hiện mục tiêu đó bằng những kế hoạch cụ thể nào? Về đầu tư, Chính phủ Việt Nam đã, đang hoặc sẽ có những chính sách ưu đãi nào cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng?

― Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột và động lực chính của sự hợp tác giữa hai nước. Việc hai nước đặt mục tiêu đạt kim ngạch thương mại hai chiều lên 150 tỷ USD năm 2030 là nhu cầu phát triển tất yếu của doanh nghiệp và chính phủ hai nước. Mục tiêu này hoàn toàn có cơ sở. Trước hết, hai nước đã ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc và là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương như Hiệp định khung về hợp tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Hàn Quốc, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP). Hai là, hai nước có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau rõ rệt. Ba là, sự phát triển của kim ngạch thương mại hai chiều nhằm đáp ứng nhu cầu cho các dự án đầu tư Hàn Quốc đang và sẽ tiếp tục gia tăng tại Việt Nam.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, tôi cho rằng hai bên cần tập trung vào một số định hướng sau.

Thứ nhất, cần tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư mới, đa dạng hóa các mặt hàng xuất nhập khẩu, nhất là các ngành công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao.

Thứ hai, hai bên cần phối hợp triển khai hiệu quả các hiệp định tự do thương mại khu vực và toàn cầu (như RCEP, CPTPP), các khuôn khổ hợp tác kinh tế mới như IPEF, đẩy mạnh hợp tác trên một số lĩnh vực mới như khai thác các thị trường mới, tham gia xây dựng các chuỗi cung ứng mới.

Thứ ba, Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của các loại nông sản của Việt Nam. Các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam như trái cây, cà phê, hạt tiêu, rau củ quả các loại cơ bản đều phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Hàn Quốc và dần chiếm lĩnh thị phần lớn tại thị trường Hàn Quốc. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng là đối tác lớn góp phần cải thiện chất lượng và công nghệ sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Chính phủ và các doanh nghiệp hai nước thường xuyên có các chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm và thúc đẩy thương mại nông sản giữa hai nước.

Trong lĩnh vực đầu tư, Chính phủ Việt Nam luôn chủ động tiếp cận, lắng nghe, nắm bắt những điểm nghẽn, rào cản nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định và thuận lợi tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách ưu đãi cơ bản, bao gồm ưu đãi tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, v.v. và các chính sách ưu đãi phi tài chính như hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật, thủ tục hành chính và chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư với Hàn Quốc trong các lĩnh vực chiến lược mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, v.v. Đây là những lĩnh vực thế mạnh của Hàn Quốc và Việt Nam cũng đang dần định hình các chính sách ưu đãi phù hợp cho việc thu hút đầu tư các lĩnh vực này.

Câu hỏi 3: Hàn Quốc coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và Sáng kiến Đoàn kết ASEAN – Hàn Quốc. Đây là sáng kiến được Hàn Quốc công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN năm 2022 như một phần của Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Xin Ông cho biết, Việt Nam và Hàn Quốc có thể thúc đẩy sáng kiến này trong tương lai như thế nào?

― Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi trọng mối quan hệ đối thoại với Hàn Quốc. Kể từ khi thiết lập năm 1989, quan hệ ASEAN-Hàn Quốc đã phát triển năng động, tích cực và sâu rộng trên các lĩnh vực, trở thành một trong những mối quan hệ đối thoại quan trọng hàng đầu trong tổng thể quan hệ đối ngoại của ASEAN.

Tôi hoan nghênh Hàn Quốc công bố Sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc (KASI) trong khuôn khổ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc, thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol nhằm thúc đẩy quan hệ ASEAN-Hàn Quốc phát triển theo hướng cân bằng hơn, toàn diện hơn và lên tầm cao mới.

Với cam kết nguồn lực to lớn, Sáng kiến KASI sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc trong các cơ chế do ASEAN dẫn dắt nhằm cùng nhau giải quyết hiệu quả hơn các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hướng tới tương lai phát triển bền vững, đóng góp tích cực cho xu thế hòa bình, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Là nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2024, Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc và các nước thành viên ASEAN trong quá trình triển khai Sáng kiến KASI; thực hiện nhiều chương trình, dự án, hoạt động hợp tác thực chất, hiệu quả và cùng có lợi, qua đó đóng góp vào nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN. Hàn Quốc cũng hỗ trợ các nỗ lực của các nước ASEAN trong phát triển tiểu vùng Mê Công, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững cho người dân và các quốc gia ASEAN và Hàn Quốc.

Tôi tin rằng việc triển khai hiệu quả Sáng kiến KASI sẽ góp phần nâng cao vai trò và tăng cường hiện diện của Hàn Quốc tại khu vực, đưa quan hệ ASEAN-Hàn Quốc trở thành nhân tố tích cực đối với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới, nâng tầm quan hệ ASEAN-Hàn Quốc hướng tới thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện nhân dịp kỷ niệm 35 năm quan hệ hai bên trong năm 2024 này.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기