Đời sống Xã hội

Nhân viên văn phòng tại Hàn Quốc có hạnh phúc hay không?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:27 16-01-2024
Blind, một cộng đồng trực tuyến ở Hàn Quốc nơi dân văn phòng có thể đăng bài một cách ẩn danh, đã thực hiện một cuộc khảo sát từ tháng 6~11/2023 với 50.216 nhân viên văn phòng về "Chỉ số hạnh phúc của nhân viên văn phòng". Kết quả được công bố gần đây cho thấy mức độ hạnh phúc trung bình của nhân viên văn phòng Hàn Quốc chỉ đạt 41 trên thang điểm 100, mặc dù có tăng 1 điểm so với kết quả năm ngoái nhưng vẫn ở mức tương đối thấp.
 
Điểm hạnh phúc của nhân viên trong các tập đoàn lớn năm 2023 từ trái qua Naver Hyundai Motor SK Samsung Posco Hanwha LF Kakao ẢnhBlind
Điểm hạnh phúc của nhân viên trong các tập đoàn lớn năm 2023. (từ trái qua: Naver, Hyundai Motor, SK, Samsung, Posco, Hanwha, LF, Kakao). [Ảnh=Blind]
"Chỉ số về hạnh phúc của nhân viên văn phòng" do Blind và Viện nghiên cứu lao động Hàn Quốc hợp tác phát triển là chỉ số đo lường mức độ hạnh phúc chủ quan của nhân viên văn phòng tại công ty trong 3 khía cạnh chính là công việc, các mối quan hệ và văn hóa công ty.

Blind cho biết, kể từ khi cuộc khảo sát bắt đầu vào năm 2018, mức độ hạnh phúc trung bình của nhân viên văn phòng Hàn Quốc chưa bao giờ vượt quá 50 điểm, nguyên nhân chính là áp lực công việc quá mức và sự hài lòng trong nghề nghiệp thấp.

Xem xét trong một số tập đoàn lớn của Hàn Quốc, nhân viên văn phòng tại NAVER có điểm hạnh phúc cao nhất (62 điểm) và hầu hết các công ty con của NAVER như NAVER Webtoon và LINE Plus cũng đều được các nhân viên tự đánh giá khá tích cực. Theo sau là Hyundai Motor (50 điểm), SK (47 điểm), Samsung (45 điểm), Posco và Hanwha (đồng hạng 43 điểm). Kakao, tập đoàn xếp thứ nhất năm ngoái, năm nay đã tụt xuống vị trí thứ 7 với 39 điểm, cùng vị trí với LG.

Ở góc độ công ty riêng lẻ, Viện Công nghệ An toàn và Năng lượng Nguyên tử Hàn Quốc (82 điểm) đứng đầu. Tiếp theo là Daehaknaeil (79 điểm), Google Korea, SAP Korea và Synopsys Korea mỗi công ty đồng hạng 3 với 78 điểm. Theo sau là Naver Webtoon và Karrot mỗi công ty có 76 điểm; Korea Central Development, Qualcomm Korea và NEXON Games mỗi công ty có 75 điểm. 4 trong số 10 công ty được nhân viên đánh giá cao nhất đều là công ty nước ngoài.

Ở góc độ nghề nghiệp, những nghề chuyên môn như bác sĩ (60 điểm), dược sĩ và luật sư (mỗi nghề 59 điểm) có mức độ hạnh phúc cao hơn. Ngược lại, quân nhân (30 điểm) và giới truyền thông (34 điểm) có mức độ hạnh phúc thấp hơn.

Theo thâm niên công tác và chức vụ, cấp phó/trưởng nhóm với thâm niên từ 5~9 năm có mức độ hài lòng thấp nhất (36,9 điểm). Xếp sau là nhân viên (37,3 điểm) với thâm niên 1~4 năm. Mức độ hạnh phúc của nhân viên mới được tuyển dụng (dưới 1 năm) là 46 điểm, nhưng chỉ sau một năm làm việc, mức độ hạnh phúc của nhân viên mới có xu hướng giảm mạnh. Cấp trưởng phòng có mức độ hài lòng 41 điểm, cấp phó/trưởng ban (bộ phận) có mức độ hài lòng cao nhất đạt 50 điểm.

Shin Jae-yong, giáo sư quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Seoul, người thực hiện nghiên cứu, cho biết: "Khi phân tích dữ liệu liên quan trong 4 năm qua, mức độ hạnh phúc của các thành viên cho thấy mối quan hệ chặt chẽ với hiệu quả hoạt động của công ty. Đã đến lúc các công ty phải chú ý đến những điều kiện cụ thể để ngăn chặn sự nghỉ việc thường xuyên của các nhân viên mới. Trong nền kinh tế hiện nay, các cá nhân có tác động ngày càng lớn đến giá trị của công ty, vì vậy việc cải thiện sự hài lòng của nhân viên là rất quan trọng đối với công ty; chỉ những công ty đầu tư vào nhân viên của mình mới có thể tồn tại trong tương lai".
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
 

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기