Kinh tế Chính trị

[30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc] Kim ngạch thương mại tăng 164 lần…Kim ngạch đầu tư tăng 145 lần

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:45 19-12-2022
Mặc dù quy mô thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã tăng hơn 160 lần trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, giao lưu con người và văn hóa cũng được mở rộng, nhưng một phân tích cho rằng xung đột Mỹ - Trung và những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tác động như những rủi ro trong tương lai.
 

[Ảnh=KITA]


Theo báo cáo do Viện Thương mại Quốc tế thuộc Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA) công bố vào ngày 19, so với thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quy mô giao dịch thương mại giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã tăng 164 lần và đầu tư lẫn nhau đã tăng 145 lần.

Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba sau Trung Quốc và Hoa Kỳ và Hàn Quốc trở thành nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài số một của Việt Nam.

Các loại hình đầu tư, thương mại cũng có nhiều thay đổi. Đầu tư vào Việt Nam, vốn tập trung vào các ngành sử dụng nhiều lao động, đã đa dạng hóa kể từ những năm 2010, hướng tới các ngành có giá trị gia tăng cao như máy tính, thiết bị truyền thông và phân phối.

Trong những ngày đầu thiết lập quan hệ ngoại giao, đầu tư của Việt Nam chủ yếu tập trung vào sản xuất dệt may với tỷ lệ chiếm 76,1%. Tuy nhiên hiện nay đã mở rộng ra 57 ngành và lĩnh vực bao gồm linh kiện điện tử, máy tính, ô tô, tài chính, bảo hiểm và xây dựng.

Trong xuất khẩu sang Việt Nam, tỷ trọng hàng hóa trung gian công nghệ cao cần thiết cho sản xuất trong nước đang tăng nhanh và hàng nhập khẩu đang chuyển từ hàng tiêu dùng sang nguyên liệu sản xuất.

Nếu xem xét sự thay đổi tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa trung gian theo tiêu chuẩn công nghệ thì công nghệ thấp đã giảm từ 37,8% năm 1992 xuống 6,9% tính đến tháng 9/2022; cũng trong cùng khoảng thời gian công nghệ cao đã tăng từ 2,1% lên 51,0%.

Nhập khẩu tăng từ 0,1% lên 25,0% đối với nguyên liệu sản xuất trong khi hàng tiêu dùng giảm từ 42,2% năm 1992 xuống còn 28,6% trong năm nay.

Giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa giữa hai nước cũng diễn ra sôi nổi. Tính đến tháng 10 năm nay, trong số người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc có 230.000 người Việt Nam, đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc (240.000 người).

Bất chấp khủng hoảng Covid-19, số lượng học sinh Việt Nam và học sinh thuộc các gia đình đa văn hóa vẫn tiếp tục tăng đều đặn.

Ngoài ra, với sự mở rộng giao lưu văn hóa nhờ vào ảnh hưởng của Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), chỉ số năng lực cạnh tranh thương hiệu (BPI) của Hàn Quốc tại Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 1.

Số lượng phim truyền hình Hàn Quốc được phát sóng trên các đài truyền hình lớn của Việt Nam là 21, cao thứ hai sau Trung Quốc (34); mức tiêu thụ nội dung văn hóa Hàn Quốc bình quân đầu người là 34,5%, cao thứ hai sau Ấn Độ (37,0%).

Báo cáo cũng chỉ ra rằng việc chuẩn bị là cần thiết vì sự leo thang căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu có thể ảnh hưởng đến mối quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam.

Khi kim ngạch thương mại của Việt Nam tăng nhanh, các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp của các nước lớn ngày càng gia tăng do Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) nghi ngờ các sản phẩm Trung Quốc được xuất khẩu vòng qua Việt Nam.

Chi phí lao động và tiền thuê nhà tăng mạnh gần đây ở Việt Nam cũng đang tạo gánh nặng cho các công ty Hàn Quốc.

Ahn Byung-seon, nhà nghiên cứu cấp cao của KITA cho biết: "Năm lĩnh vực hứa hẹn cho sự hợp tác kinh tế trong tương lai giữa Hàn Quốc và Việt Nam đó là thành phố thông minh, nông nghiệp và chăn nuôi, cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, văn hóa và giải trí."
 

[Ảnh=KITA]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기