Đời sống Xã hội

Mức độ hài lòng với cuộc sống của người Hàn Quốc xếp ở nhóm cuối bảng trong OECD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:46 22-02-2023
Tỷ lệ tự tử·lạm dụng trẻ em·người già cô đơn đều tăng
Mức độ hài lòng với cuộc sống của người Hàn Quốc chỉ đạt 5,9/10, xếp ở nhóm thấp nhất trong số các nước OECD theo báo cáo của Cục thống kê Hàn Quốc.

 

Mức độ hài lòng về cuộc sống ở các nước OECD [Ảnh=Tổng cục thống kê]

Theo "Báo cáo chất lượng cuộc sống quốc gia năm 2022" do Cục thống kê quốc gia Hàn Quốc công bố vào ngày 20, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống (xét theo ý kiến chủ quan) được tổng hợp ở Hàn Quốc từ năm 2019~2021 là 5,9 trên thang điểm 10. Theo đó, Hàn Quốc chỉ đứng thứ 36 trong tổng số 38 quốc gia OECD; chỉ xếp trên 2 quốc gia là Thổ Nhĩ Kỳ (4,7 điểm) và Colombia (5,8 điểm). Mức độ hài lòng với cuộc sống của người Hàn Quốc trong giai đoạn này thấp hơn mức trung bình của OECD (6,7 điểm) cũng như nước láng giềng Nhật Bản (6,0 điểm). Tuy nhiên, mức độ hài lòng với cuộc sống tính riêng trong năm 2021 là 6,3/10 điểm, tăng nhẹ so với năm trước đó (6,0 điểm).

Mức độ hài lòng về cuộc sống là một trong những tiêu chuẩn của báo cáo "Chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn (Better Life Index·BLI)" của OECD và cũng được sử dụng trong "Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (World Happiness Report·WHR)" của Liên Hợp Quốc (UN).

Sự hài lòng về cuộc sống có xu hướng thấp hơn khi thu nhập giảm.

Tính đến năm 2021, mức độ hài lòng về cuộc sống của tầng lớp có thu nhập hàng tháng dưới 1 triệu won (khoảng 18 triệu VNĐ) là 5,5 điểm, thấp hơn 0,8 điểm so với mức trung bình chung (6,3 điểm). Trong trường hợp mức thu nhập từ 1 triệu won đến dưới 2 triệu won thì mức độ hài lòng tương ứng là 6 điểm; từ 2 triệu won đến dưới 3 triệu won là 6,1 điểm; từ 3 triệu won đến dưới 4 triệu won và từ 4 triệu won đến dưới 5 triệu đều là 6,3 điểm; từ 5 triệu ươn trở là 6,5 điểm.

Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ tự tử trong năm 2021 có sự gia tăng so với cùng kỳ năm trước đó. Cụ thể, tính đến năm 2021, tỷ lệ tử vong do tự tử của Hàn Quốc đã tăng 0,3 và ghi nhận mức 26/100.000 người (tương đương với việc cứ 100.000 trường hợp tử vong thì có 26 người chết do lựa chọn cực đoan). Đặc biệt các trường hợp tự tử xảy ra nhiều hơn với nhóm người cao tuổi. Khi xem xét dữ liệu về những người trên 70 tuổi, số vụ tự tử trên 100.000 người là 41,8. Con số này tăng mạnh lên 61,3 nếu xét dựa trên nhóm đối tượng những người trên 80 tuổi.

Bên cạnh đó, trong thời kì đại dịch do thời gian ở nhà dài hơn, các báo cáo về trường hợp trẻ em bị lạm dụng cũng tăng mạnh. Tỷ lệ các trường hợp lạm dụng ở trẻ em và thanh thiếu niên từ 0-17 tuổi được ghi nhận ở mức cao nhất mọi thời đại là 502,2/100.000 trẻ em. Đây là mức tăng đáng kể so với con số 401,6 của năm 2020.

Các số liệu trong báo cáo cũng chỉ ra rằng Hàn Quốc vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau đại dịch Covid-19.

Chỉ số niềm tin cá nhân, đo lường niềm tin chủ quan giữa các cá nhân, đã tăng nhẹ lên 59,3% vào năm 2021, nhưng con số này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch là 66,2% vào năm 2019.

Báo cáo giải thích rằng, nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế đối với các hoạt động ngoài trời trong thời kỳ dịch bệnh khiến việc giao tiếp trực tiếp ít đi, dẫn đến niềm tin giữa mọi người phần nào bị suy giảm.

Trái lại, một số chỉ số khác cũng cho thấy sự cải thiện chẳng hạn như tỷ lệ việc làm. Năm 2021, tỷ lệ có việc làm là 62,1%, cao nhất trong 22 năm kể từ năm 2000. Tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp đại học đạt 67,7%.

Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người của Hàn Quốc cũng tăng nhẹ.

Vào năm 2021, tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người tăng 1,79 triệu won so với cùng kỳ năm 2020 lên 39,49 triệu won (khoảng 718 triệu VNĐ).

Mặt khác, báo cáo thống kê của Hàn Quốc về chất lượng cuộc sống của người Hàn Quốc xem xét tổng cộng 71 chỉ số khác nhau, bao gồm 42 chỉ số khách quan và 29 chỉ số chủ quan; trong số đó 62 chỉ số đã được cập nhật trong báo cáo năm 2022 được công bố gần đây.

Trong số các chỉ số cập nhật, 47 chỉ số cho thấy sự cải thiện so với năm trước, trong khi 14 chỉ số cho thấy sự suy giảm và một chỉ số vẫn giữ nguyên.

 

Quang cảnh đường phố Myeongdong (Seoul) ngày cuối năm 31/12/2022. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기